Shinjuku, Cuộc sống về đêm tại Tokyo: Kevin Poh, https://goo.gl/kgS4Zi, licensed under CC BY 2.0

Bài 1 Cuộc cách mạng của chủ nghĩa tư bản

Cách chủ nghĩa tư bản tạo ra cuộc cách mạng thay đổi cuộc sống của chúng ta, và cách các nhà kinh tế học giải thích về nó và các hệ thống kinh tế khác.

  • Từ những năm 1700, sự gia tăng mức sống bình quân đã trở thành đặc điểm phổ biến trong đời sống kinh tế ở nhiều quốc gia.
  • Xu thế này gắn liền với sự xuất hiện của một hệ thống kinh tế mới được gọi là chủ nghĩa tư bản, trong đó quyền sở hữu tư nhân về tài sản, thị trường và doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo.
  • Trong thời đại của chủ nghĩa tư bản, những đổi mới trong cách thức tổ chức nền kinh tế, cùng với ứng dụng tiến bộ công nghệ và chuyên môn hóa sản xuất đã làm tăng đáng kể số lượng sản phẩm có thể tạo ra trong một ngày làm việc.
  • Quá trình này, mà chúng ta gọi là cuộc cách mạng của chủ nghĩa tư bản, cũng đi kèm với những mối đe dọa tới môi trường tự nhiên và tạo ra sự gia tăng của bất bình đẳng kinh tế ở mức chưa từng có trên phạm vi toàn cầu.
  • Kinh tế học nghiên cứu sự tương tác giữa con người với nhau, và với môi trường tự nhiên trong hoạt động sinh kế của mình.

Vào thế kỷ thứ 14, Ibn Battuta, một học giả người Ma rốc, đã miêu tả tỉnh Bengal của Ấn Độ như là ‘Một vùng rộng lớn và có rất nhiều gạo. Quả thực, tôi chưa từng thấy nơi nào trên trái đất mà nông sản lại dồi dào đến như vậy’.

Hãy nhớ rằng Battuta là người đã từng đến nhiều nơi trên thế giới, từ Trung Quốc, cho tới Tây Phi, Trung Đông và Châu Âu. Ba thế kỷ sau đó, vào thế kỷ 17, một nhà buôn kim cương người Pháp, Jean Baptiste Tavernier, cũng có cảm nhận tương tự khi viết về vùng đất này như sau:

Ngay cả tại những ngôi làng nhỏ nhất, gạo, bột mỳ, bơ, sữa, đậu và các loại rau, đường và kẹo, hàng khô và chất lỏng, đều có thể được dễ dàng thu mua với số lượng lớn.1

Ở thời điểm các cuộc hành trình của Battuta diễn ra, Ấn Độ chẳng giàu hơn, nhưng cũng không quá nghèo so với các nơi khác trên thế giới. Bất kỳ ai quan sát ở thời điểm này cũng đều có thể nhận thấy, nếu xét bình quân, cuộc sống của người dân tại Ý, Trung Quốc và Anh là tốt hơn so với người dân tại Nhật Bản hay Ấn Độ. Tuy vậy, sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo ở cùng một nơi, dù nơi đó là quốc gia nào, rõ rệt hơn rất nhiều so với sự khác biệt giữa các khu vực. Người giàu và người nghèo có thể được gọi theo các danh xưng khác nhau: ở một số vùng họ là lãnh chúa phong kiến và các nông nô, tại nơi khác là vua chúa và thần dân, hay chủ nô và nô lệ, hay thương nhân và các thủy thủ vận chuyển hàng hóa cho họ. Ở thế kỷ 14-không khác nhiều so với hiện tại-tương lai của bạn phụ thuộc nhiều vào vị trí của gia đình bạn trong nấc thang xã hội, cũng như giới tính của bạn. Điểm khác biệt giữa hai thời đại nằm ở chỗ, hồi đó, quốc gia nơi bạn sinh ra có ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn sau này ít hơn nhiều so với bây giờ.

Trở lại với hiện tại. Ngày nay, người dân Ấn Độ có cuộc sống tốt hơn nhiều so với bảy thế kỷ trước, nếu chúng ta xem xét trên góc độ sự tiếp cận của họ với thực phẩm, chăm sóc y tế, nhà ở và các nhu yếu phẩm khác. Nhưng xét theo tiêu chuẩn thế giới thì phần lớn người dân Ấn Độ vẫn còn nghèo.

Ibn Battuta (1304–1368) là một nhà thám hiểm và một thương gia người Ma rốc. Các cuộc hành trình của ông, kéo dài trong khoảng 30 năm, đã đưa ông tới khắp miền Bắc và Tây Phi, Trung Đông, Nam Á, Trung Á và Trung Quốc.

Hình 1.1a hé mở một phần câu chuyện. Để so sánh mức sống ở mỗi quốc gia, chúng ta sử dụng thước đo GDP bình quân đầu người. Con người có được thu nhập thông qua việc sản xuất và bán hàng hóa và dịch vụ. GDP (tổng sản phẩm quốc nội) là tổng giá trị của tất cả mọi thứ được sản xuất ra trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn là trong một năm. Do đó, GDP bình quân đầu người sẽ tương ứng với mức thu nhập bình quân hàng năm. GDP còn được gọi là tổng thu nhập quốc nội. Trong Hình 1.1a, độ cao của các đường tương ứng với mức thu nhập bình quân tại thời điểm ghi trên trục hoành.

Mô hình chiếc gậy khúc côn cầu trong lịch sử
: GDP bình quân đầu người của năm quốc gia (1000–2015)
Toàn màn hình

Mô hình chiếc gậy khúc côn cầu trong lịch sử

Hình 1.1a Mô hình chiếc gậy khúc côn cầu trong lịch sử: GDP bình quân đầu người của năm quốc gia (1000–2015).

Jutta Bolt và Jan Juiten van Zanden. 2013. ‘The First Update of the Maddison Project Re-Estimating Growth Before 1820’. Bài nghiên cứu thuộc dự án Maddision WP-4 (Tháng 1). Stephen Broadberry. 2013. Accounting for the great divergence. Mùng 1 Tháng 11. Conference Board, The. 2015. Total Economy Database.

Tính bình quân, người dân ở Anh có mức sống tốt hơn khoảng 6 lần so với người dân Ấn Độ theo thước đo này. Người Nhật giàu có tương đương với người Anh, tương tự như ở thế kỷ 14. Ở thời điểm hiện tại người Mỹ có mức sống tốt hơn so với người Nhật, và người Na Uy thậm chí còn có mức sống cao hơn nữa.

Chúng ta có thể vẽ đồ thị như trong Hình 1.1a nhờ công trình của Angus Maddison. Ông đã dành cả cuộc đời làm việc của mình để tìm kiếm các dữ liệu rất khó thu thập nhưng lại cần thiết cho việc so sánh cách con người sống qua hơn 1.000 năm (công việc của ông vẫn được tiếp tục bởi dự án Maddison). Trong khóa học này, bạn sẽ thường xuyên được quan sát những dữ liệu như vậy về các khu vực trên thế giới cũng như con người ở đó, bởi đó là xuất phát điểm của các chuyên ngành kinh tế học. Trong đoạn video của chúng tôi, các nhà kinh tế học, James Heckman và Thomas Piketty, giải thích tại sao việc thu thập dữ liệu là vấn đề nền tảng cho nghiên cứu của họ về bất bình đẳng và các chính sách nhằm giảm bất bình đẳng.

1.1 Bất bình đẳng thu nhập

Một nghìn năm trước đây, có thể cho thế giới là phẳng khi xét trên phương diện kinh tế. Cũng có những khác biệt về thu nhập giữa các vùng trên thế giới; nhưng như bạn có thể thấy trong Hình 1.1a, những khác biệt đó là nhỏ nếu so với những gì xảy ra sau đó.

Ngày nay không ai nghĩ thế giới là phẳng khi đề cập tới vấn đề thu nhập.

Hình 1.2 mô tả phân phối thu nhập giữa các quốc gia và bên trong từng quốc gia. Các quốc gia được sắp xếp theo GDP bình quân đầu người, từ nước nghèo nhất ở bên trái đồ thị (Li-bê-ri-a) tới nước giàu nhất ở bên phải (Xin-ga-po). Chiều rộng các thanh của mỗi nước đại diện cho quy mô dân số của quốc gia đó.

Mỗi quốc gia có mười thanh, tương ứng với mười thập phân vị thu nhập. Chiều cao của mỗi thanh là thu nhập trung bình của 10% dân số, sắp xếp từ 10% nghèo nhất ở phía trước đồ thị, cho tới 10% giàu nhất ở sau cùng, đo lường theo đô la Mỹ năm 2005. Lưu ý rằng đây không phải là ‘10% người kiếm được thu nhập cao nhất’. Đây là 10% người giàu nhất, trong đó những thành viên trong cùng một hộ gia đình, bao gồm cả trẻ em, được giả định là có phần bằng nhau trong tổng thu nhập của hộ.

Các tòa tháp chọc trời (những cột cao nhất) ở phía sau bên phải của hình vẽ đại diện cho thu nhập của 10% người giàu nhất ở những nước giàu nhất. Tòa tháp cao nhất là 10% người giàu nhất ở Xin-ga-po. Năm 2014, nhóm đặc biệt này có thu nhập bình quân đầu người lên tới hơn $67.000. Na Uy, quốc gia có GDP bình quân đầu người cao thứ hai, không có những tòa tháp đặc biệt cao (chúng bị ẩn giữa các tòa tháp của Xin-ga-po và của nước giàu thứ ba là Mỹ) bởi vì thu nhập ở đây được phân phối đều hơn so với các quốc gia giàu có khác.

Phân tích trong Hình 1.2 thể hiện sự phân phối thu nhập đã thay đổi thế nào kể từ năm 1980.

Phân phối thu nhập trên thế giới năm 2014
: Các quốc gia được xếp hạng theo GDP bình quân đầu người từ trái qua phải. Với từng quốc gia chiều cao của các thanh thể hiện thu nhập trung bình của các thập phân vị dân số, từ 10% người nghèo nhất ở phía trước tới 10% người giàu nhất ở sau cùng. Chiều rộng của thanh thể hiện quy mô dân số của quốc gia.
Phân phối thu nhập trên thế giới năm 2014
: Các quốc gia được xếp hạng theo GDP bình quân đầu người từ trái qua phải. Với từng quốc gia chiều cao của các thanh thể hiện thu nhập trung bình của các thập phân vị dân số, từ 10% người nghèo nhất ở phía trước tới 10% người giàu nhất ở sau cùng. Chiều rộng của thanh thể hiện quy mô dân số của quốc gia.
Phân phối thu nhập trên thế giới năm 2014
: Các quốc gia được xếp hạng theo GDP bình quân đầu người từ trái qua phải. Với từng quốc gia chiều cao của các thanh thể hiện thu nhập trung bình của các thập phân vị dân số, từ 10% người nghèo nhất ở phía trước tới 10% người giàu nhất ở sau cùng. Chiều rộng của thanh thể hiện quy mô dân số của quốc gia.
Toàn màn hình

Phân phối thu nhập trên thế giới năm 2014

Hình 1.2 Các quốc gia được xếp hạng theo GDP bình quân đầu người từ trái qua phải. Với từng quốc gia chiều cao của các thanh thể hiện thu nhập trung bình của các thập phân vị dân số, từ 10% người nghèo nhất ở phía trước tới 10% người giàu nhất ở sau cùng. Chiều rộng của thanh thể hiện quy mô dân số của quốc gia. Đồ thị tương tác và số liệu có thể tải về từ đây.

GCIP 2015. Global Consumption and Income Project. Bob Sutcliffe đã thiết kế minh họa cho bất bình đẳng toàn cầu trong Hình 1.2. Bản đầu tiên được phát hành trong: Robert, B Sutcliffe. 2001. 100 Ways of Seeing an Unequal World. London: Zed Books. Xem phiên bản tương tác của đồ thị này trên trang web của Globalinc.

Người giàu nhất và người nghèo nhất
: Tại Xin-ga-po, quốc gia giàu nhất ở ngoài cùng bên phải, thu nhập trung bình của 10% người giàu nhất và nghèo nhất lần lượt là 67.436 đô la và 3.652 đô la. Ở Li-bê-ri-a, ngoài cùng bên trái, các mức thu nhập tương ứng là 994 đô la và 17 đô la.
Toàn màn hình

Người giàu nhất và người nghèo nhất

Tại Xin-ga-po, quốc gia giàu nhất ở ngoài cùng bên phải, thu nhập trung bình của 10% người giàu nhất và nghèo nhất lần lượt là 67.436 đô la và 3.652 đô la. Ở Li-bê-ri-a, ngoài cùng bên trái, các mức thu nhập tương ứng là 994 đô la và 17 đô la.

GCIP 2015. Global Consumption and Income Project. Bob Sutcliffe đã thiết kế minh họa cho bất bình đẳng toàn cầu trong Hình 1.2. Bản đầu tiên được phát hành trong: Robert, B Sutcliffe. 2001. 100 Ways of Seeing an Unequal World. London: Zed Books. Xem phiên bản tương tác của đồ thị này trên trang web của Globalinc.

Những tòa tháp chọc trời
: Các tòa tháp chọc trời ở phía sau cùng bên phải của hình vẽ thể hiện 10% người giàu nhất ở một số nước giàu nhất.
Toàn màn hình

Những tòa tháp chọc trời

Các tòa tháp chọc trời ở phía sau cùng bên phải của hình vẽ thể hiện 10% người giàu nhất ở một số nước giàu nhất.

GCIP 2015. Global Consumption and Income Project. Bob Sutcliffe đã thiết kế minh họa cho bất bình đẳng toàn cầu trong Hình 1.2. Bản đầu tiên được phát hành trong: Robert, B Sutcliffe. 2001. 100 Ways of Seeing an Unequal World. London: Zed Books. Xem phiên bản tương tác của đồ thị này trên trang web của Globalinc.

Phân phối thu nhập trên thế giới năm 1980
: Năm 1980, thứ hạng của các quốc gia theo GDP khác với hiện nay. Các nước nghèo nhất, màu đỏ đậm nhất, là Lê-xô-thô và Trung Quốc. Giàu nhất (màu xanh đậm nhất) là Thụy Sĩ, Phần Lan và tiếp đó là Mỹ. Tại thời điểm đó các tòa tháp không thật sự cao: những khác biệt giữa 10% giàu nhất và phần dân số còn lại của một quốc gia không thật sự nổi bật.
Toàn màn hình

Phân phối thu nhập trên thế giới năm 1980

Năm 1980, thứ hạng của các quốc gia theo GDP khác với hiện nay. Các nước nghèo nhất, màu đỏ đậm nhất, là Lê-xô-thô và Trung Quốc. Giàu nhất (màu xanh đậm nhất) là Thụy Sĩ, Phần Lan và tiếp đó là Mỹ. Tại thời điểm đó các tòa tháp không thật sự cao: những khác biệt giữa 10% giàu nhất và phần dân số còn lại của một quốc gia không thật sự nổi bật.

GCIP 2015. Global Consumption and Income Project. Bob Sutcliffe đã thiết kế minh họa cho bất bình đẳng toàn cầu trong Hình 1.2. Bản đầu tiên được phát hành trong: Robert, B Sutcliffe. 2001. 100 Ways of Seeing an Unequal World. London: Zed Books. Xem phiên bản tương tác của đồ thị này trên trang web của Globalinc.

Phân phối thu nhập trên thế giới năm 1990
: Bằng việc quan sát màu sắc bạn có thể thấy một số quốc gia đã thay đổi thứ hạng giữa năm 1980 và năm 1990. Trung Quốc (màu đỏ sẫm) đã trở nên giàu có hơn; U-gan-đa, cũng màu đỏ, nằm giữa phân phối, bao quanh bởi các quốc gia màu vàng. Một số tòa tháp cao hơn đã xuất hiện: bất bình đẳng đã gia tăng ở nhiều nước trong những năm 1980.
Toàn màn hình

Phân phối thu nhập trên thế giới năm 1990

Qua việc quan sát màu sắc bạn có thể thấy một số quốc gia đã thay đổi thứ hạng giữa năm 1980 và năm 1990. Trung Quốc (màu đỏ sẫm) đã trở nên giàu có hơn; U-gan-đa, cũng màu đỏ, nằm giữa phân phối, bao quanh bởi các quốc gia màu vàng. Một số tòa tháp cao hơn đã xuất hiện: bất bình đẳng đã gia tăng ở nhiều nước trong những năm 1980.

GCIP 2015. Global Consumption and Income Project. Bob Sutcliffe đã thiết kế minh họa cho bất bình đẳng toàn cầu trong Hình 1.2. Bản đầu tiên được phát hành trong: Robert, B Sutcliffe. 2001. 100 Ways of Seeing an Unequal World. London: Zed Books. Xem phiên bản tương tác của đồ thị này trên trang web của Globalinc.

Phân phối thu nhập trên thế giới năm 2014
: Tới năm 2014, nhiều quốc gia đã thay đổi thứ hạng của mình. Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng kể từ năm 1990. Tuy nhiên các quốc gia giàu nhất vào năm 1980 (xanh đậm nhất) vẫn ở gần đỉnh tại thời điểm năm 2014.
Toàn màn hình

Phân phối thu nhập trên thế giới năm 2014

Tới năm 2014, nhiều quốc gia đã thay đổi thứ hạng của mình. Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng kể từ năm 1990. Tuy nhiên các quốc gia giàu nhất vào năm 1980 (xanh đậm nhất) vẫn ở gần đỉnh tại thời điểm năm 2014.

GCIP 2015. Global Consumption and Income Project. Bob Sutcliffe đã thiết kế minh họa cho bất bình đẳng toàn cầu trong Hình 1.2. Bản đầu tiên được phát hành trong: Robert, B Sutcliffe. 2001. 100 Ways of Seeing an Unequal World. London: Zed Books. Xem phiên bản tương tác của đồ thị này trên trang web của Globalinc.

Bất bình đẳng bên trong các quốc gia đã tăng lên
: Phân phối thu nhập đã trở nên bất bình đẳng hơn ở nhiều nước giàu. Ở các nước thu nhập trung bình cũng vậy, có một bước chuyển lớn ở phía sau hình vẽ: thu nhập của 10% người giàu nhất hiện đã cao lên so với phần còn lại của dân số.
Toàn màn hình

Bất bình đẳng bên trong các quốc gia đã tăng lên

Phân phối thu nhập đã trở nên bất bình đẳng hơn ở nhiều nước giàu. Ở các nước thu nhập trung bình cũng vậy, có một bước chuyển lớn ở phía sau hình vẽ: thu nhập của 10% người giàu nhất hiện đã cao lên so với phần còn lại của dân số.

GCIP 2015. Global Consumption and Income Project.Bob Sutcliffe đã thiết kế minh họa cho bất bình đẳng toàn cầu trong Hình 1.2. Bản đầu tiên được phát hành trong: Robert, B Sutcliffe. 2001. 100 Ways of Seeing an Unequal World. London: Zed Books. Xem phiên bản tương tác của đồ thị này trên trang web của Globalinc.

Có hai điều dễ dàng nhận thấy từ phân phối thu nhập của năm 2014. Thứ nhất, ở tất cả các quốc gia, người giàu có thu nhập cao hơn nhiều so với người nghèo. Ta có thể sử dụng tỷ lệ về độ cao giữa cột đứng đầu tiên và cột đứng sau cùng để đo mức độ bất bình đẳng trong một nước. Ta sẽ gọi nó là tỷ lệ giàu/nghèo. Ngay cả ở một quốc gia tương đối bình đẳng như Na Uy, tỷ lệ giàu/nghèo là 5,4; ở Mỹ là 16 và ở Bốt-xoa-na, miền nam châu Phi, là 145. Bất bình đẳng bên trong các quốc gia nghèo nhất rất khó quan sát trên biểu đồ, nhưng chắc chắn là nó tồn tại: tỷ lệ giàu/nghèo là 22 ở Ni-giê-ri-a và 20 ở Ấn Độ.

Điều thứ hai nổi bật từ Hình 1.2 là sự khác biệt rất lớn về thu nhập giữa các quốc gia. Thu nhập trung bình ở Na Uy cao gấp 19 lần thu nhập trung bình ở Ni-giê-ri-a. Và 10% người nghèo nhất ở Na Uy nhận được gần gấp đôi thu nhập của 10% người giàu nhất ở Ni-giê-ri-a.

Hãy tưởng tượng về hành trình của nhà thám hiểm Ibn Battuta qua các khu vực trên thế giới vào thế kỷ 14 và nghĩ xem điều này sẽ được phản ánh như thế nào trong một biểu đồ như Hình 1.2. Tất nhiên ông ta sẽ nhận thấy rằng ở mỗi nơi đi qua đều có những sự khác biệt lớn giữa các nhóm giàu nhất và nghèo nhất trong cộng đồng dân cư. Tuy vậy, sự khác biệt về thu nhập giữa các quốc gia trên thế giới, so với sự khác biệt trong bản thân mỗi vùng, sẽ là tương đối nhỏ.

Các quốc gia cất cánh về kinh tế trước năm 1990 (Hình 1.1a) chính là các ‘tòa tháp chọc trời’ trong Hình 1.2.
Toàn màn hình

Các quốc gia cất cánh về kinh tế trước năm 1990 (Hình 1.1a) chính là các ‘tòa tháp chọc trời’ trong Hình 1.2.

Sự khác biệt lớn về thu nhập giữa các quốc gia trên thế giới ngày nay đưa chúng ta trở lại với Hình 1.1a, nơi chúng ta có thể bắt đầu việc tìm hiểu điều này đã xảy ra như thế nào. Các quốc gia đã cất cánh về kinh tế trước năm 1900 — Anh, Nhật Bản, Ý — hiện đều giàu có. Họ (và các quốc gia giống họ) đang ở phần ‘tòa tháp chọc trời’ của Hình 1.2. Các quốc gia mới chỉ cất cánh gần đây, hoặc hoàn toàn chưa cất cánh, nằm ở vùng bằng phẳng.

Bài tập 1.1 Bất bình đẳng trong thế kỷ 14

Bạn nghĩ hình ‘tòa tháp chọc trời’ như trong Hình 1.2 sẽ trông như thế nào vào thời của Ibn Battuta (khoảng đầu đến giữa thế kỷ mười bốn)?

Bài tập 1.2 Thực hành với dữ liệu thu nhập

Bạn có thể xem biểu đồ tương tác và tải xuống dữ liệu bảng tính mà chúng ta đã sử dụng để tạo ra Hình 1.2. Hãy chọn năm quốc gia mà bạn quan tâm.

  1. Với mỗi quốc gia, hãy tính tỷ lệ giàu/nghèo cho các năm 1980, 1990 và 2014.
  2. Hãy mô tả sự khác biệt giữa các quốc gia và những thay đổi theo thời gian mà bạn tìm thấy.
  3. Bạn có thể đưa ra lời giải thích nào cho những khác biệt và thay đổi đó?

1.2 Đo lường thu nhập và mức sống

tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
Một thước đo phản ánh giá trị thị trường của các sản phẩm (hàng hoá và dịch vụ) cuối cùng của một nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định. Các sản phẩm đầu ra trung gian (là đầu vào để sản xuất sản phẩm cuối cùng) không được vào để tránh trùng lặp.

Ước tính về mức sống mà chúng ta đã sử dụng trong Hình 1.1a (GDP bình quân đầu người) là một thước đo phản ánh tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra tại một quốc gia (được gọi là tổng sản phẩm quốc nội, hay GDP), rồi chia cho dân số của quốc gia đó.

GDP đo lường giá trị thị trường của các sản phẩm (gồm hàng hoá và dịch vụ) cuối cùng của nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định, chẳng hạn như trong một năm. Nhà kinh tế Diane Coyle nói rằng nó ‘tổng hợp tất cả mọi thứ, từ chăm sóc móng tay cho tới bàn chải đánh răng, máy kéo, giày, cắt tóc, tư vấn quản lý, vệ sinh đường phố, buổi học yoga, đĩa, băng vết thương, sách, và hàng triệu dịch vụ và sản phẩm khác trong nền kinh tế’.2

Nghe Diane Coyle nói về những lợi ích và hạn chế của đo lường GDP.

Để cộng hàng triệu dịch vụ và sản phẩm này đòi hỏi phải tìm ra thước đo để so sánh giá trị của một buổi học yoga với giá trị của một chiếc bàn chải đánh răng. Các nhà kinh tế trước tiên phải quyết định cái gì nên được tính vào, sau đó phải tìm ra cách để xác định giá trị cho từng thứ. Trong thực tế, cách dễ nhất để làm điều này là sử dụng giá của chúng. Khi chúng ta làm vậy, giá trị của GDP tương ứng với tổng thu nhập của mọi người trong cả nước.

Bằng cách chia cho dân số, chúng ta nhận được GDP bình quân đầu người—thu nhập trung bình của người dân trong một nước. Nhưng liệu đó có phải là cách làm đúng đắn để đo lường mức sống hay phúc lợi của họ?

Thu nhập khả dụng

thu nhập khả dụng
Khoản thu nhập còn lại sau khi chi trả thuế và nhận các khoản chuyển giao từ chính phủ.

GDP bình quân đầu người đo lường thu nhập trung bình, nhưng nó không phải là thu nhập khả dụng của một người điển hình.

Thu nhập khả dụng bao gồm tiền lương hay tiền công, lợi nhuận, tiền cho thuê, tiền lãi và chuyển giao thu nhập từ chính phủ (như là trợ cấp thất nghiệp hay trợ cấp cho người khuyết tật) hay từ người khác (ví dụ như quà tặng), nhận được trong một thời kỳ nhất định, chẳng hạn trong một năm, trừ đi các khoản chuyển giao thu nhập cho người khác mà cá nhân thực hiện (bao gồm cả thuế nộp cho chính phủ). Thu nhập khả dụng được coi là một thước đo tốt về mức sống vì nó chính là lượng tối đa thực phẩm, nhà ở, quần áo, cùng với các hàng hóa và dịch vụ khác mà một cá nhân có thể mua được mà không phải đi vay—có nghĩa là, không phải mang nợ hay bán tài sản.

Thu nhập khả dụng có phải là một thước đo tốt cho phúc lợi của chúng ta?

Thu nhập có ảnh hưởng lớn tới phúc lợi vì nó cho phép chúng ta mua hàng hóa và dịch vụ mà chúng ta cần hay yêu thích. Nhưng thu nhập là không đủ, bởi vì nhiều khía cạnh trong phúc lợi của chúng ta không liên quan tới những thứ mà chúng ta có thể mua.3

Ví dụ, thu nhập khả dụng bỏ qua:

  • Chất lượng của môi trường vật chất và xã hội xung quanh chúng ta như không khí trong lành hay tình bạn.
  • Khoảng thời gian rảnh mà chúng ta có để thư giãn hay dành cho bạn bè và gia đình.
  • Các hàng hóa mà dịch vụ mà chúng ta không mua, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe và giáo dục, nếu chúng được cung cấp bởi chính phủ.
  • Các hàng hóa và dịch vụ được tạo ra bên trong hộ gia đình, như là bữa ăn hay chăm sóc trẻ em (chủ yếu do phụ nữ cung cấp).

Thu nhập khả dụng trung bình và phúc lợi trung bình

Khi chúng ta là một phần của một nhóm người (ví dụ như một quốc gia hay một dân tộc) thì liệu thu nhập khả dụng trung bình có phải là một thước đo tốt để phản ánh phúc lợi của nhóm này hay không? Hãy xem xét một nhóm trong đó mỗi người ban đầu có thu nhập khả dụng là 5.000 đô la một tháng. Giả sử rằng, trong khi giá cả không thay đổi, thu nhập của mọi cá nhân trong nhóm đều tăng lên. Khi đó chúng ta sẽ nói rằng phúc lợi trung bình hay điển hình đã tăng lên.

Nhưng bây giờ hãy xét một tình huống khác. Trong nhóm thứ hai, thu nhập khả dụng hàng tháng của một nửa số người là 10.000 đô la. Nửa còn lại chỉ có 500 đô la để chi tiêu mỗi tháng. Thu nhập trung bình trong nhóm thứ hai (5.250 đô la) cao hơn so với nhóm thứ nhất (5.000 đô la trước khi thu nhập tăng). Nhưng liệu chúng ta có thể nói rằng phúc lợi của nhóm thứ hai cao hơn nhóm thứ nhất trong đó mỗi người đều có 5.000 đô la một tháng hay không? Mức thu nhập cao hơn của nhóm thứ hai dường như không quá quan trọng đối với nửa người giàu, nhưng nửa người nghèo sẽ nghĩ rằng sự túng bấn của họ thực sự là một thảm họa.

Thu nhập tuyệt đối có có ảnh hưởng quan trọng tới phúc lợi, nhưng chúng ta cũng biết được từ các nghiên cứu rằng con người cũng quan tâm tới vị trí tương đối của họ trong phân phối thu nhập. Họ sẽ nhận thấy phúc lợi của mình thấp hơn nếu như họ kiếm được ít tiền hơn những người khác trong cùng nhóm.

Do phân phối thu nhập có ảnh hưởng tới phúc lợi, và bởi vì cùng một mức thu nhập trung bình có thể là kết quả từ những phân phối thu nhập rất khác nhau giữa người giàu và người nghèo trong một nhóm, nên thu nhập trung bình có thể không phải là thước đo tốt khi so sánh phúc lợi giữa các nhóm người khác nhau.

Xác định giá trị của hàng hóa và dịch vụ được chính phủ cung cấp

GDP bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ do chính phủ cung cấp, chẳng hạn như giá trị của giáo dục, quốc phòng và thực thi pháp luật. Chúng có đóng góp vào phúc lợi nhưng không được tính trong thu nhập khả dụng. Về mặt này, GDP bình quân đầu người là thước đo mức sống tốt hơn so với thu nhập khả dụng.

Nhưng các dịch vụ của chính phủ rất khó định giá, thậm chí còn khó hơn cả định giá các dịch vụ như cắt tóc và buổi học yoga. Đối với hàng hóa và dịch vụ mà mọi người thường mua bán, chúng ta lấy giá của chúng làm thước đo giá trị (nếu bạn cho rằng giá trị của dịch vụ cắt tóc thấp hơn giá bán của nó ngoài thị trường, bạn sẽ phải chấp nhận để cho tóc mọc tự nhiên mà không được cắt). Nhưng hàng hóa và dịch vụ do chính phủ cung cấp thường không được mua bán, và thước đo duy nhất về giá trị của chúng mà ta có là chi phí sản xuất.

Khoảng cách giữa điều chúng ta muốn về mặt phúc lợi, và cái mà GDP bình quân đầu người đo lường, khiến chúng ta cần thận trọng về việc sử dụng GDP bình quân đầu người theo nghĩa đen để đo lường phúc lợi của mọi người.4

Tuy nhiên, khi những thay đổi theo thời gian hoặc sự khác biệt giữa các quốc gia trong chỉ tiêu này lớn như trong Hình 1.1a (và trong các Hình 1.1b, 1.8 và 1.9 ở phía sau bài này), thì GDP bình quân đầu người chắc chắn nói cho chúng ta biết điều gì đó về những khác biệt trong sự sẵn có của hàng hóa và dịch vụ đối với mọi người.

Trong phần Einstein ở cuối mục này, chúng ta xem xét chi tiết hơn về cách đo lường GDP để chúng ta có thể so sánh nó theo thời gian và giữa các quốc gia. (Nhiều bài có phần Einstein. Bạn không bắt buộc phải đọc chúng, nhưng chúng sẽ chỉ cho bạn cách tính toán và hiểu các số liệu thống kê mà chúng ta sử dụng). Bằng các phương pháp này, chúng ta có thể sử dụng GDP bình quân đầu người để truyền tải các ý tưởng một cách rõ ràng, như là ‘người dân Nhật Bản, tính trung bình, giàu hơn rất nhiều so với 200 năm trước, và cũng giàu hơn nhiều so với người Ấn Độ ngày nay.’

Bài tập 1.3 Chúng ta nên đo lường cái gì?

Trong buổi vận động tranh cử tổng thống Mỹ vào ngày 18 tháng 3 năm 1968, Thượng nghị sỹ Robert Kennedy đã có bài phát biểu nổi tiếng, đặt câu hỏi về ‘sự tích lũy đơn thuần của vật chất’ trong xã hội Mỹ, và tại sao, nhiều thứ như ô nhiễm không khí, quảng cáo thuốc lá và nhà tù lại được tính khi Mỹ đo lường mức sống, nhưng y tế, giáo dục hay sự cống hiến cho tổ quốc thì lại không được tính. Ông lập luận rằng ‘tóm lại, nó đo lường mọi thứ, ngoại trừ những điều làm cho cuộc sống trở nên đáng giá.’

Đọc toàn văn bài phát biểu hoặc nghe bản thu âm.

  1. Trong toàn văn bài phát biểu, những hàng hóa nào mà ông liệt kê đã được tính vào GDP?
  2. Bạn có cho rằng những hàng hóa này có nên được tính vào GDP hay không, và tại sao?
  3. Trong toàn văn bài phát biểu, theo ông hàng hóa nào còn bị bỏ sót khi tính GDP?
  4. Bạn có cho rằng chúng nên được tính vào GDP, và tại sao?

Câu hỏi 1.1 Lựa chọn (các) đáp án đúng

GDP bình quân đầu người của Anh đo lường gì?

  • tổng sản lượng đầu ra của nền kinh tế Luân Đôn
  • thu nhập khả dụng trung bình của một người dân Anh
  • tổng sản lượng đầu ra của những người dân Anh, chia cho số lượng người dân
  • tổng sản lượng đầu ra của nền kinh tế Anh, chia cho dân số nước này
  • Thuật ngữ ‘Per capita’ nghĩa là bình quân đầu người, không phải thủ đô của đất nước (capital trong tiếng Anh)!
  • Thu nhập khả dụng là thu nhập của một người (lấy ví dụ tiền lương, tiền lãi tiết kiệm) trừ đi các khoản chuyển giao (ví dụ như thuế). GDP bao gồm các hàng hóa và dịch vụ được sản xuất và cung cấp bởi khu vực công, như trường học, quốc phòng và những người thực thi luật pháp, những khoản này không được tính vào thu nhập khả dụng.
  • Khoản này được gọi là tổng thu nhập quốc gia (GNP) bình quân đầu người. GNP cộng thêm sản lượng đầu ra do những người dân Anh sản xuất ở nước ngoài, và trừ đi sản lượng sản xuất ở Anh nhưng bởi người dân nước khác.
  • Đây là định nghĩa đúng của GDP bình quân đầu người như được nhắc đến ở Phần 1.2.

Einstein So sánh thu nhập tại các thời điểm khác nhau, và giữa các quốc gia khác nhau

Liên Hiệp Quốc thu thập và công bố ước tính GDP từ các cơ quan thống kê trên toàn thế giới. Những ước tính này, cùng với những ước tính của các nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế, cho phép chúng ta xây dựng các biểu đồ như Hình 1.1a, so sánh mức sống giữa các quốc gia và trong các khoảng thời gian khác nhau, và xem xét liệu khoảng cách giữa các nước giàu và nước nghèo thu hẹp hay nới rộng theo thời gian. Trước khi chúng ta có thể đưa ra một phát biểu như: ‘Tính trung bình, người dân Ý giàu hơn người dân Trung Quốc, nhưng khoảng cách giữa họ đang thu hẹp lại,’ các nhà thống kê và các nhà kinh tế phải cố gắng giải quyết ba vấn đề:

  • Chúng ta cần tách biệt điều chúng ta muốn đo lường—sự thay đổi hay những khác biệt trong lượng hàng hóa và dịch vụ—với những yếu tố không liên quan tới việc so sánh, đặc biệt là những thay đổi hay khác biệt về giá cả của hàng hóa và dịch vụ.
  • Khi so sánh sản lượng của một quốc gia tại hai thời điểm, cần phải tính tới những khác biệt về giá cả giữa hai thời điểm đó.
  • Khi so sánh sản lượng giữa hai quốc gia tại một thời điểm, cần phải tính đến sự khác biệt về giá cả giữa hai quốc gia đó.

Có thể thấy hai nhận định cuối cùng khá giống nhau. Đo lường sự thay đổi của sản lượng tại các thời điểm khác nhau đặt ra những thách thức tương tự như khi chúng ta cố gắng so sánh các quốc gia tại cùng một thời điểm. Thách thức đặt ra là phải tìm được một tập hợp giá để sử dụng trong tính toán, cho phép chúng ta xác định những thay đổi hay khác biệt trong sản lượng, mà không mắc phải sai lầm khi cho rằng nếu giá cả một hàng hóa tăng lên ở một nước, nhưng không tăng lên ở nước khác, thì sản lượng tăng lên ở nước đầu tiên.

Điểm xuất phát: GDP danh nghĩa

Khi ước tính giá trị thị trường của sản lượng trong nền kinh tế cho một thời kỳ nhất định, chẳng hạn là một năm, các nhà thống kê sử dụng giá mà hàng hóa và dịch vụ được bán trên thị trường. Bằng cách nhân lượng hàng hóa và dịch vụ với giá của chúng, chúng ta nhận được con số tính bằng tiền, hay còn gọi là biến danh nghĩa. Khi tất cả mọi thứ được quy về biến danh nghĩa (hay tính bằng tiền), chúng có thể được cộng lại với nhau. GDP danh nghĩa được tính như sau:

\[\begin{align*} &\text{(giá một lớp học yoga)} \times \text{(lượng lớp học yoga)} \\ &+ \text{(giá một cuốn sách)} \times \text{(lượng sách)} + … \\ &+ \text{(giá)} \times \text{(lượng)} \hspace{0.2cm} \text{tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ khác} \end{align*}\]

Khái quát chung, chúng ta viết như sau:

\[\text{GDP danh nghĩa} = \sum_{i}p_iq_i\]

Trong đó pi là giá của hàng hóa i, qi là lượng hàng hóa i, và dấu ∑ thể hiện tổng của giá nhân với lượng cho tất cả các hàng hóa và dịch vụ mà chúng ta tính.

Tính đến sự thay đổi của giá cả theo thời gian: GDP thực

Để đánh giá xem nền kinh tế đang mở rộng hay thu hẹp, chúng ta cần một thước đo về lượng hàng hóa và dịch vụ được mua. Thước đo này được gọi là GDP thực. Nếu chúng ta so sánh nền kinh tế trong hai năm khác nhau, và nếu tất cả lượng không đổi nhưng giá cả đã tăng 2% từ năm trước qua năm sau thì GDP danh nghĩa tăng thêm 2%, nhưng GDP thực không thay đổi. Nền kinh tế không tăng trưởng.

Bởi vì chúng ta không thể cộng tổng số máy tính, giày dép, bữa ăn tại nhà hàng, chuyến bay, xe nâng, v.v. với nhau, nên sẽ không thể đo lường GDP thực một cách trực tiếp. Thay vào đó, để có một ước lượng cho GDP thực, chúng ta phải bắt đầu với GDP danh nghĩa như đã định nghĩa ở trên.

Ở vế bên phải của phương trình GDP danh nghĩa là giá của từng loại sản phẩm cuối cùng nhân với lượng tương ứng của chúng.

Để theo dõi thay đổi của GDP thực, chúng ta bắt đầu với việc chọn một năm cơ sở, ví dụ: năm 2010. Sau đó, chúng ta định nghĩa GDP thực năm 2010 cũng chính là GDP danh nghĩa của năm cơ sở này. GDP danh nghĩa của năm 2011 được tính như bình thường bằng cách sử dụng giá hiện hành trong năm 2011. Tiếp theo, chúng ta có thể thấy thay đổi của GDP thực bằng cách nhân lượng của năm 2011 với giá năm 2010. Khi sử dụng giá của năm cơ sở, nếu GDP tăng, thì chúng ta có thể suy ra rằng GDP thực đã tăng.

giá cố định
Các mức giá đã được điều chỉnh tính đến sự tăng lên (lạm phát) hoặc giảm đi (giảm phát) của mức giá chung, giúp cho một đơn vị tiền tệ phản ánh một lượng sức mua không đổi tại các thời điểm khác nhau. Xem thêm: ngang bằng sức mua (PPP).

Nếu phương pháp này cho kết quả là, khi được tính theo giá năm 2010, GDP trong năm 2011 bằng với GDP năm 2010, chúng ta có thể suy ra rằng mặc dù có thể có sự thay đổi trong các thành phần (ví dụ, số chuyến bay ít hơn, nhưng số máy tính bán được nhiều hơn), nhưng tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ đã không thay đổi. Có thể kết luận rằng GDP thực, hay còn được gọi là GDP theo giá cố định, không thay đổi. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong thực tế bằng không.

Tính đến sự khác biệt về giá cả giữa các quốc gia: giá quốc tế và sức mua

Để so sánh giữa hai quốc gia, chúng ta cần chọn một tập hợp giá chung và áp dụng cho cả hai quốc gia đó.

Để bắt đầu, hãy tưởng tượng một nền kinh tế giản đơn chỉ sản xuất một sản phẩm. Ví dụ, chúng ta chọn một ly cappuccino vì chúng ta có thể dễ dàng tìm ra giá của sản phẩm tiêu chuẩn này tại các nơi khác nhau trên thế giới. Và chúng ta chọn hai nền kinh tế rất khác nhau về trình độ phát triển: Thụy Điển và In-đô-nê-xi-a.

Tại thời điểm viết cuốn sách này, khi giá được chuyển sang đô la Mỹ theo tỷ giá hối đoái hiện hành, một ly cappuccino có giá 3,90 đô la ở Xtốc-khôm và 2,63 đô la ở Gia-các-ta.

Nếu bạn muốn có thống kê cập nhật hơn thì một trang web có tên là Numbeo cung cấp các so sánh chi phí sinh hoạt.

Nhưng chỉ đơn giản thể hiện hai ly cappuccino bằng một đơn vị tiền tệ chung là không đủ, bởi vì tỷ giá hối đoái mà chúng ta đã dùng để có được những con số này không phải là thước đo tốt để phản ánh việc một rupiah có thể mua được gì ở Gia-các-ta và một krona có thể mang lại cho bạn những gì ở Xtốc-khôm.

ngang bằng sức mua (PPP)
Một điều chỉnh trong thống kê giúp cho phép việc so sánh lượng hàng hóa mà người dân có thể mua giữa các nước sử dụng các đơn vị tiền tệ khác nhau. Xem thêm: giá cố định.

Đây là lý do tại sao khi so sánh mức sống giữa các quốc gia, chúng ta sử dụng ước lượng GDP bình quân đầu người theo một tập hợp giá chung được gọi là giá ngang bằng sức mua (PPP). Như tên gọi của thuật ngữ, ý tưởng ở đây là nhằm đạt được sự tương đương (ngang bằng) trong sức mua thực.

Giá cả thường cao hơn tại các quốc gia giàu hơn—như trong ví dụ của chúng ta. Một lý do cho điều này là tiền lương cao hơn, chuyển hóa thành giá cả cao hơn. Giá của ly cappuccino, bữa ăn tại nhà hàng, cắt tóc, hầu hết các loại thực phẩm, vận tải, tiền thuê và đa số các hàng hóa và dịch vụ khác đều đắt hơn ở Thụy Điển so với In-đô-nê-xi-a. Nên khi một tập hợp giá chung được áp dụng, chênh lệch giữa GDP bình quân đầu người ở Thụy Điển và In-đô-nê-xi-a đo lường theo PPP sẽ nhỏ hơn so với khi so sánh theo tỷ giá hối đoái hiện hành.

Theo tỷ giá hối đoái hiện hành, GDP bình quân đầu người ở In-đô-nê-xi-a chỉ bằng 6% mức của Thụy Điển; theo PPP, khi so sánh được thực hiện theo giá quốc tế, GDP bình quân đầu người ở In-đô-nê-xi-a bằng 21% mức của Thụy Điển.

So sánh này cho thấy sức mua của đồng rupiah In-đô-nê-xi-a so với đồng krona Thụy Điển lớn hơn gấp ba lần so với trường hợp xác định bằng tỷ giá hối đoái hiện hành giữa hai đồng tiền.

Chúng ta sẽ tìm hiểu việc đo lường GDP (và các thước đo khác cho nền kinh tế tổng thể) chi tiết hơn trong Bài 13.

1.3 Mô hình chiếc gậy khúc côn cầu trong lịch sử: Tăng trưởng thu nhập

Một chiếc gậy khúc côn cầu có hình dáng chủ yếu là thẳng, với một đường cong rõ nét hướng lên trên ở phía cuối.

Nếu bạn chưa từng thấy một cây gậy khúc côn cầu trên băng (hoặc chưa từng trải nghiệm khúc côn cầu trên băng) thì hình dạng này là lý do tại sao chúng ta có cái gọi là ‘đường cong khúc côn cầu’.

Một cách khác để quan sát dữ liệu trong Hình 1.1a là sử dụng thang đo mà ở đó GDP bình quân đầu người tăng gấp đôi khi chúng ta di chuyển những khoảng bằng nhau theo trục tung lên phía trên (từ 250 đô la bình quân đầu người một năm tới 500 đô la, sau đó là 1.000 đô la, v.v.). Đây được gọi là thang đo tỷ lệ và được biểu diễn trong Hình 1.1b. Thang đo tỷ lệ được sử dụng để so sánh tốc độ tăng trưởng.

Khi đề cập tới tốc độ tăng trưởng của thu nhập hay của bất kỳ đại lượng nào khác, ví dụ như dân số, chúng ta muốn nói đến tỷ lệ thay đổi:

\[\text{tốc độ tăng trưởng} = \frac{\text{sự thay đổi thu nhập}}{\text{mức thu nhập ban đầu}}\]

Nếu GDP bình quân đầu người năm 2000 là 21.046 đô la, như ở Anh trong dữ liệu hiển thị trong Hình 1.1a, và 21.567 đô la trong năm 2001, thì chúng ta có thể tính được tốc độ tăng trưởng:

\[\begin{align*} \text{tốc độ tăng trưởng} &= \frac{\text{sự thay đổi thu nhập}}{\text{mức thu nhập ban đầu}} \\ &= \frac{y_{2001} - y_{2000}}{y_{2000}} \\ &= \frac{21.567 - 21.046}{21.046} \\ &= 0,025 \\ &= 2,5\% \end{align*}\]

Việc chúng ta muốn so sánh mức tuyệt đối hay tốc độ tăng trưởng tùy thuộc vào câu hỏi được đặt ra. Hình 1.1a giúp ta dễ dàng so sánh mức GDP bình quân đầu người giữa các quốc gia, và tại các thời điểm khác nhau trong lịch sử. Hình 1.1b sử dụng thang đo tỷ lệ, giúp so sánh tốc độ tăng trưởng giữa các quốc gia vào các thời kỳ khác nhau. Khi sử dụng thang đo tỷ lệ, một chuỗi số tăng với tốc độ không đổi trông giống như một đường thẳng. Điều này là do tỷ lệ phần trăm (hay tốc độ tăng trưởng) của chuỗi này là cố định. Một đường dốc hơn trong biểu đồ với thang đo tỷ lệ có nghĩa là tốc độ tăng trưởng nhanh hơn.

Để thấy được điều này, giả thiết tốc độ tăng trưởng là 100%: tức là mức tăng gấp đôi. Trong Hình 1.1b, với thang đo tỷ lệ, bạn có thể kiểm tra xem nếu GDP bình quân đầu người gấp đôi sau 100 năm từ mức 500 đô la tới 1.000 đô la, thì đường biểu diễn có cùng độ dốc như gấp đôi từ 2.000 đô la lên 4.000 đô la, hay từ 16.000 đô la lên 32.000 đô la sau 100 năm. Nếu, thay vì tăng gấp đôi, chuỗi số tăng gấp bốn lần (từ 500 đô la lên 2.000 đô la sau 100 năm), thì đường biểu diễn của nó sẽ có độ dốc gấp đôi chuỗi số trước, phản ánh tốc độ tăng trưởng cao gấp đôi.

Mô hình chiếc gậy khúc côn cầu trong lịch sử
: Có những thay đổi về văn hóa và tiến bộ khoa học ở nhiều nơi trên thế giới trong toàn bộ giai đoạn được thể hiện trong hình, nhưng mức sống chỉ bắt đầu tăng một cách bền vững kể từ thế kỷ 18 trở đi. Hình này trông giống như một cây gậy khúc côn cầu, và một cách tự nhiên, chúng ta quan tâm nhiều nhất đến điểm uốn của nó.
Toàn màn hình

Mô hình chiếc gậy khúc côn cầu trong lịch sử

Hình 1.1b Mô hình chiếc gậy khúc côn cầu trong lịch sử: Mức sống tại năm quốc gia (1000–2015), sử dụng thang đo tỷ lệ.

Jutta Bolt and Jan Juiten van Zanden. 2013. ‘The First Update of the Maddison Project Re-Estimating Growth Before 1820’. Maddison-Project Working Paper WP-4 (January). Stephen Broadberry. 2013. Accounting for the great divergence. 1 November. Conference Board, The. 2015. Total Economy Database.

Trước năm 1800 chúng ta có ít điểm dữ liệu hơn
: Trong giai đoạn trước năm 1800, chúng ta có ít thông tin hơn về GDP bình quân đầu người, đó là lý do tại sao có ít điểm dữ liệu hơn trong phần này của hình vẽ.
Toàn màn hình

Trước năm 1800 chúng ta có ít điểm dữ liệu hơn

Trong giai đoạn trước năm 1800, chúng ta có ít thông tin hơn về GDP bình quân đầu người, đó là lý do tại sao có ít điểm dữ liệu hơn trong phần này của hình vẽ.

Jutta Bolt and Jan Juiten van Zanden. 2013. ‘The First Update of the Maddison Project Re-Estimating Growth Before 1820’. Maddison-Project Working Paper WP-4 (January). Stephen Broadberry. 2013. Accounting for the great divergence. 1 November. Conference Board, The. 2015. Total Economy Database.

Vẽ một đường qua các điểm dữ liệu
: Với mỗi quốc gia, các điểm dữ liệu được hiển thị ở bước trước đã được nối với nhau thành các đường thẳng. Trước năm 1800 chúng ta không thể thấy mức sống dao động thế nào từ năm này qua năm khác.
Toàn màn hình

Vẽ một đường qua các điểm dữ liệu

Với mỗi quốc gia, các điểm dữ liệu được hiển thị ở bước trước đã được nối với nhau thành các đường thẳng. Trước năm 1800 chúng ta không thể thấy mức sống dao động thế nào từ năm này qua năm khác.

Jutta Bolt and Jan Juiten van Zanden. 2013. ‘The First Update of the Maddison Project Re-Estimating Growth Before 1820’. Maddison-Project Working Paper WP-4 (January). Stephen Broadberry. 2013. Accounting for the great divergence. 1 November. Conference Board, The. 2015. Total Economy Database.

Anh
: Điểm uốn của gậy khúc côn cầu ít đột ngột hơn ở Anh, nơi tăng trưởng bắt đầu vào khoảng năm 1650.
Toàn màn hình

Anh

Điểm uốn của gậy khúc côn cầu ít đột ngột hơn ở Anh, nơi tăng trưởng bắt đầu vào khoảng năm 1650.

Jutta Bolt and Jan Juiten van Zanden. 2013. ‘The First Update of the Maddison Project Re-Estimating Growth Before 1820’. Maddison-Project Working Paper WP-4 (January). Stephen Broadberry. 2013. Accounting for the great divergence. 1 November. Conference Board, The. 2015. Total Economy Database.

Nhật Bản
: Ở Nhật Bản điểm uốn được thể hiện rõ hơn, xảy ra vào khoảng năm 1870.
Toàn màn hình

Nhật Bản

Ở Nhật Bản điểm uốn được thể hiện rõ hơn, xảy ra vào khoảng năm 1870.

Jutta Bolt and Jan Juiten van Zanden. 2013. ‘The First Update of the Maddison Project Re-Estimating Growth Before 1820’. Maddison-Project Working Paper WP-4 (January). Stephen Broadberry. 2013. Accounting for the great divergence. 1 November. Conference Board, The. 2015. Total Economy Database.

Trung Quốc và Ấn Độ
: Điểm uốn của Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra vào nửa sau của thế kỷ 20. Trên thực tế GDP bình quân đầu người đã giảm ở Ấn Độ trong thời kỳ thuộc địa của Anh. Bạn có thể thấy rằng điều này cũng đúng với Trung Quốc trong cùng giai đoạn, khi mà các quốc gia châu Âu thao túng chính trị và kinh tế của Trung Quốc.
Toàn màn hình

Trung Quốc và Ấn Độ

Điểm uốn của Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra vào nửa sau của thế kỷ 20. Trên thực tế GDP bình quân đầu người đã giảm ở Ấn Độ trong thời kỳ thuộc địa của Anh. Bạn có thể thấy rằng điều này cũng đúng với Trung Quốc trong cùng giai đoạn, khi mà các quốc gia châu Âu thao túng chính trị và kinh tế của Trung Quốc.

Jutta Bolt and Jan Juiten van Zanden. 2013. ‘The First Update of the Maddison Project Re-Estimating Growth Before 1820’. Maddison-Project Working Paper WP-4 (January). Stephen Broadberry. 2013. Accounting for the great divergence. 1 November. Conference Board, The. 2015. Total Economy Database.

So sánh tốc độ tăng trưởng ở Trung Quốc và Nhật Bản
: Thang đo tỷ lệ cho phép chúng ta thấy rằng tốc độ tăng trưởng gần đây ở Nhật Bản và Trung Quốc cao hơn các nơi khác.
Toàn màn hình

So sánh tốc độ tăng trưởng ở Trung Quốc và Nhật Bản

Thang đo tỷ lệ cho phép chúng ta thấy rằng tốc độ tăng trưởng gần đây ở Nhật Bản và Trung Quốc cao hơn các nơi khác.

Jutta Bolt and Jan Juiten van Zanden. 2013. ‘The First Update of the Maddison Project Re-Estimating Growth Before 1820’. Maddison-Project Working Paper WP-4 (January). Stephen Broadberry. 2013. Accounting for the great divergence. 1 November. Conference Board, The. 2015. Total Economy Database.

Tại một số nền kinh tế, những cải thiện đáng kể trong mức sống của người dân đã không xảy ra cho đến khi họ giành được độc lập khỏi sự thống trị của thực dân hay sự can thiệp của các quốc gia châu Âu:

  • Ấn Độ: Theo Angus Deaton, một nhà kinh tế chuyên phân tích chủ đề nghèo đói, khi 300 năm cai trị của Anh đối với Ấn Độ chấm dứt vào năm 1947: ‘Có thể xem nghèo đói ở trẻ em tại Ấn Độ là một trong những thảm cảnh nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại’. Trong những năm cuối cùng dưới ách cai trị của Anh, một đứa trẻ khi sinh ra ở Ấn Độ chỉ được kỳ vọng có thể sống tới năm 27 tuổi. Nửa thế kỷ sau, tuổi thọ kỳ vọng khi sinh ở Ấn Độ đã tăng lên 65 năm.
  • Trung Quốc: Trung Quốc đã từng giàu có hơn Anh, nhưng đến giữa thế kỷ 20 GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc chỉ bằng 1/15 so với Anh.
  • Khu vực Mỹ Latinh: Sự cai trị của thực dân Tây Ban Nha, cũng như hậu quả của nó sau khi phong trào độc lập xảy ra ở hầu hết các nước Mỹ Latinh vào đầu thế kỷ 19, đều không cho thấy điều gì tương tự như phần uốn lên của cây gậy khúc côn cầu trong mức sống, như trường hợp của các quốc gia trong Hình 1.1a và 1.1b.

Chúng ta rút ra hai điều từ các Hình 1.1a và 1.1b:

  • Trong suốt một khoảng thời gian rất dài, mức sống đã không tăng lên một cách liên tục.
  • Khi tăng trưởng liên tục xảy ra, nó bắt đầu tại các thời điểm khác nhau ở các quốc gia khác nhau, dẫn đến sự khác biệt rất lớn về mức sống trên toàn thế giới.

Một video hấp dẫn của Hans Rosling, một nhà thống kê, cho thấy cách thức một số quốc gia đã trở nên giàu có và khỏe mạnh hơn, từ thời điểm sớm hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.

Hiểu được tại sao điều này xảy ra là một trong những câu hỏi quan trọng nhất mà các nhà kinh tế đã đặt ra, khởi đầu từ cha đẻ của kinh tế học, Adam Smith, người đã đặt cho cuốn sách quan trọng nhất của mình tựa đề Bàn về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia.5

Các nhà kinh tế vĩ đại Adam Smith

Adam Smith Adam Smith (1723–1790) được coi là cha đẻ của kinh tế học hiện đại. Được nuôi dạy bởi người mẹ góa ở Xcốt-len, ông học triết học ở Đại học Glasgow và sau đó ở Oxford, nơi ông viết: ‘phần lớn … các giáo sư đã … từ bỏ hoàn toàn ngay cả việc giả vờ giảng dạy.’

Ông đã chu du khắp châu Âu, đến thành phố Toulouse, Pháp, nơi ông nói rằng ‘có rất ít việc để làm’ và vì thế bắt đầu ‘viết một cuốn sách để giết thời gian’. Cuốn sách này sau đó trở thành cuốn sách nổi tiếng nhất trong kinh tế học.

Trong cuốn Bàn về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia, xuất bản năm 1776, Smith đặt câu hỏi: làm thế nào xã hội có thể điều phối các hoạt động của một lượng lớn các tác nhân kinh tế—nhà sản xuất, người vận chuyển, người bán hàng, người tiêu dùng—thường không quen biết nhau và ở nhiều nơi trên khắp thế giới? Lập luận đột phá của ông là, sự phối hợp giữa tất cả các tác nhân này có thể tự phát sinh, mà không cần bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cố tình tạo ra hoặc duy trì nó. Điều này thách thức các quan niệm trước đây về tổ chức chính trị và kinh tế, trong đó các nhà cai trị áp đặt trật tự lên các đối tượng của họ.

Thậm chí đột phá hơn nữa là ý tưởng của ông cho rằng, điều này có thể xảy ra là kết quả của việc các cá nhân theo đuổi lợi ích riêng của họ: ‘Không phải từ lòng nhân từ của những người bán thịt, người nấu bia, hay thợ làm bánh mà chúng ta mong đợi bữa tối của mình, mà xuất phát từ lợi ích riêng của họ,’ ông viết.

Ở một chương khác trong cuốn Của cải của các quốc gia, Smith đã giới thiệu một trong những ẩn dụ nổi tiếng nhất trong lịch sử kinh tế học, đó là bàn tay vô hình. Ông viết: ‘ Người doanh nhân chỉ nhắm đến lợi ích cho bản thân, và trong khi làm như vậy, cũng như trong nhiều trường hợp khác, anh ta được dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình hướng tới một kết quả nằm ngoài dự tính của mình. Không phải lúc nào xã hội cũng trở nên tệ hơn bởi điều này. Bằng cách theo đuổi lợi ích riêng của mình, anh ta mang lại lợi ích lớn hơn cho xã hội so với khi anh ta thực sự dự định làm như vậy.’

Trong số những phát hiện sâu sắc của Smith, có ý tưởng cho rằng, nguồn gốc chính tạo nên sự thịnh vượng là sự phân công lao động hay chuyên môn hóa, và điều này đến lượt nó bị giới hạn bởi ‘quy mô thị trường.’ Smith đã minh họa ý tưởng này trong một đoạn văn nổi tiếng về nhà máy sản xuất đinh ghim, bằng cách quan sát mười công nhân, mỗi người hoàn toàn chuyên về một hoặc hai trong số 18 thao tác riêng biệt, có thể sản xuất ra gần 50.000 đinh ghim mỗi ngày. Nhưng ‘nếu tất cả họ làm việc riêng rẽ và độc lập … thì chắc chắn mỗi người sẽ không thể làm ra được hai mươi cái, hay thậm chí một cái đinh ghim trong một ngày.’

Nhưng một lượng lớn đinh ghim như vậy chỉ có thể tìm được đủ người mua nếu nó có thể được bán ở cách xa nơi chúng được sản xuất ra. Do đó chuyên môn hóa được thúc đẩy bằng việc xây dựng các kênh đào cho vận tải đường thủy và sự mở rộng hoạt động ngoại thương. Và bản thân sự thịnh vượng được tạo ra đã quay lại mở rộng ‘quy mô thị trường’, trong một vòng tuần hoàn của sự phát triển kinh tế.

Smith không cho rằng con người hoàn toàn bị dẫn dắt bởi lợi ích cá nhân. Mười bảy năm trước cuốn Của cải của các quốc gia, ông đã xuất bản một cuốn sách về hành vi đạo đức có tựa đề Lý thuyết về những xúc cảm đạo đức.6

Ông cũng hiểu rằng hệ thống thị trường có một số khiếm khuyết, đặc biệt là nếu những người bán cấu kết lại để tránh phải cạnh tranh với nhau. ‘Rất hiếm khi những người bán cùng một mặt hàng gặp gỡ nhau,’ ông viết, ‘ngay cả để giải trí và tiêu khiển, những cuộc trò chuyện giữa họ nếu có thường kết thúc trong một mưu đồ chống lại công chúng, hoặc một số thủ đoạn để tăng giá.’

Ông đặc biệt chỉ trích là các nhà độc quyền được chính phủ bảo vệ, như là Công ty Đông Ấn Anh Quốc, công ty không chỉ kiểm soát thương mại giữa Ấn Độ và Anh, mà còn quản lý một phần lớn thuộc địa của Anh ở đó.

Ông đồng tình với những người cùng thời rằng chính phủ nên bảo vệ quốc gia khỏi kẻ địch bên ngoài, và đảm bảo công lý bằng cảnh sát và hệ thống tòa án. Ông cũng ủng hộ đầu tư của chính phủ cho giáo dục và các công trình công cộng như cầu, đường, kênh rạch.

Tên tuổi của Smith thường được gắn với ý tưởng rằng sự thịnh vượng đến từ việc theo đuổi lợi ích cá nhân trong điều kiện thị trường tự do. Trên thực tế, tư tưởng của ông về những vấn đề này sâu sắc hơn nhiều so với những gì công chúng thường nhắc tới.

Bài tập 1.4 Những ưu điểm của thang đo tỷ lệ

Hình 1.1a sử dụng thang đo thông thường cho trục tung, và Hình 1.1b sử dụng thang đo tỷ lệ.

  1. Đối với nước Anh, hãy chỉ ra một giai đoạn mà tốc độ tăng trưởng tăng dần và một giai đoạn khác trong đó tốc độ tăng trưởng gần như không đổi. Bạn sử dụng hình nào, và tại sao?
  2. Hãy chỉ ra một giai đoạn mà GDP bình quân đầu người bị thu hẹp (tốc độ tăng trưởng âm) ở Anh với tốc độ nhanh hơn so với ở Ấn Độ. Bạn sử dụng hình nào, và tại sao?

Câu hỏi 1.2 Lựa chọn (các) đáp án đúng

GDP bình quân đầu người của Hy Lạp là $22.494 vào năm 2012 và $21.966 và năm 2013. Dựa vào các số liệu, tốc độ tăng trưởng GDP giữa năm 2012 và 2013 (tính đến hai chữ số sau dấu phẩy) là:

  • –2,40%
  • 2,35%
  • –2,35%
  • –0,24%
  • GDP bình quân đầu người giảm đi $528. Để tìm tốc độ tăng trưởng chia số này cho GDP bình quân đầu người năm 2012 là $22.494 (không phải GDP bình quân đầu người của năm 2013 $21.966).
  • GDP bình quân đầu người của Hy Lạp từ năm 2012 đến 2013 giảm đi, dẫn đến tốc độ tăng trưởng âm.
  • GDP bình quân đầu người thay đổi một lượng bằng $21.966 - $22.494 = -$528. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người được tính bằng tỷ lệ phần trăm của thay đổi này so với giá trị của năm 2012: -$528/$22.494 = -2,35%.
  • Mức giảm của GDP bình quân đầu người là $528 tương ứng với 2,35% của $22.494 chứ không phải 0,235%.

Câu hỏi 1.3 Lựa chọn (các) đáp án đúng

Tưởng tượng rằng GDP bình quân đầu người của một quốc gia tăng lên gấp đôi sau mỗi 100 năm. Bạn được yêu cầu vẽ đồ thị theo cả thang giá trị và thang tỷ lệ với GDP bình quân đầu người trên trục tung và các mốc thời gian ở trục hoành. Hình dạng của đồ thị này sẽ như thế nào?

Đồ thị theo thang giá trị Đồ thị theo thang tỷ lệ
  • Đường dốc lên với độ dốc tăng dần (đường cong lồi) Đường thẳng dốc lên
  • Đường thẳng dốc lên Đường thẳng nằm ngang
  • Đường thẳng dốc lên Đường dốc lên với độ dốc giảm dần (đường cong lõm)
  • Đường cong lồi dốc lên Đường cong lõm dốc lên

Lưu ý: Đồ thị theo thang giá trị là các đồ thị “thông thường” trong đó khoảng cách về chiều cao giữa điểm có tung độ 1 và 2, và giữa điểm có tung độ 2 và 3 sẽ giống nhau.

  • Đường thẳng dốc lên trên đồ thị theo thang tỷ lệ có nghĩa là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người là không đổi. Đường cong lồi dốc lên trên đồ thị theo thang giá trị có nghĩa là GDP bình quân đầu người tăng lên với lượng tuyệt đối càng lúc càng lớn theo thời gian, điều này là phù hợp với trường hợp tốc độ tăng trưởng dương không đổi.
  • Đường thẳng dốc lên trên đồ thị theo thang giá trị có nghĩa là GDP bình quân đầu người tăng lên một lượng giống nhau sau mỗi năm. Đường thẳng nằm ngang trên thang tỷ lệ có nghĩa là GDP bình quân đầu người không đổi qua các năm.
  • Đường thẳng dốc lên trên đồ thị theo thang giá trị có nghĩa là GDP bình quân đầu người tăng lên một lượng giống nhau sau mỗi năm. Đường cong lõm dốc lên trên đồ thị theo thang tỷ lệ có nghĩa là tốc độ tăng trưởng giảm đi sau mỗi năm. Trong trường hợp này tốc độ tăng trưởng là không đổi.
  • Đường cong lồi dốc lên trên thang tỷ lệ có nghĩa là tốc độ tăng trưởng tăng lên sau mỗi năm. Trong trường hợp này tốc độ tăng trưởng là không đổi.

1.4 Cuộc cách mạng công nghệ liên tục tiếp diễn

Bộ phim khoa học viễn tưởng “Star Trek” (Du hành giữa các vì sao) lấy bối cảnh vào năm 2264, khi con người du hành ngoài dải thiên hà cùng với những người ngoài hành tinh thân thiện và sự hỗ trợ của những chiếc máy tính thông minh, các động cơ có tốc độ nhanh hơn ánh sáng, hay những chiếc máy sao chép có thể tạo ra thực phẩm và thuốc men theo yêu cầu. Cho dù chúng ta có thể cho rằng những câu chuyện này có chút ngô nghê hay chỉ dành để tạo cảm hứng, một cách lạc quan, chúng ta vẫn hy vọng tiến bộ công nghệ có thể làm thay đổi mạnh mẽ tương lai của nhân loại cả về mặt đạo đức, xã hội và vật chất.

Không có một viễn cảnh tương lai nào như trong Star Trek chờ đợi con cháu của một người nông dân vào năm 1250. 500 năm tiếp theo trôi qua mà không có thay đổi nào đáng kể nào trong mức sống của một người lao động bình thường. Trong khi khoa học viễn tưởng bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ thứ 17 (Lục địa Atlantis mới của Francis Bacon là một trong những tác phẩm đầu tiên xuất hiện vào năm 1627), phải đến thế kỷ thứ 18 thì mỗi thế hệ ra đời mới có thể mong đợi cho mình một cuộc sống khác biệt so với trước, định hình bởi những công nghệ mới.

Những tiến bộ khoa học và công nghệ đáng chú ý đã xảy ra gần như cùng thời điểm với điểm uốn của mô hình cây gậy khúc côn cầu trong lịch sử ở nước Anh, tức là vào giữa thế kỷ thứ 18.

cuộc cách mạng công nghiệp
No definition available.

Những tiến bộ công nghệ mới quan trọng đã được áp dụng trong ngành dệt may, năng lượng và giao thông vận tải. Đặc điểm tích lũy của quá trình này khiên nó được gọi tên là Cuộc cách mạng công nghiệp. Đến tận năm 1800, hầu hết quy trình sản xuất của các ngành nghề thủ công truyền thống vẫn sử dụng các kỹ thuật được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thời đại mới mang đến những ý tưởng mới, những khám phá mới, những phương pháp và máy móc mới, làm cho những ý tưởng và các công cụ cũ trở nên lỗi thời. Và rồi chính những cải tiến, những đột phá mới này cũng dần trở nên lạc hậu bởi sự ra đời của những cải tiến, những đột phá mới hơn.

công nghệ
Mô tả một quá trình sử dụng một tập hợp nguyên vật liệu và các đầu vào khác, bao gồm cả máy móc và lao động của con người, để tạo nên một sản phẩm đầu ra.

Trong ngôn ngữ thường ngày, khái niệm ‘công nghệ’ dùng để chỉ máy móc, thiết bị được phát triển dựa trên ứng dụng kiến thức khoa học. Trong kinh tế học, công nghệ {:data-term=”công nghệ”} là một quá trình sử dụng các nguyên liệu và các đầu vào khác-bao gồm lao động của con người và máy móc-để tạo thành các sản phẩm đầu ra. Ví dụ, công nghệ làm bánh có thể được mô tả là một công thức nấu ăn chỉ định cách thức kết hợp các yếu tố đầu vào (các nguyên liệu như bột mỳ và các thao tác lao động như việc khuấy, trộn) cần thiết để tạo ra đầu ra (chiếc bánh). Một công nghệ làm bánh khác lại sử dụng máy móc, nguyên liệu và nhân công (người vận hành máy móc) ở quy mô lớn.

tiến bộ công nghệ
Một thay đổi trong công nghệ giúp giảm lượng nguồn lực (lao động, máy móc, đất đai, năng lượng, thời gian) cần thiết để sản xuất ra một lượng đầu ra nhất định.

Cho đến trước cuộc cách mạng công nghiệp, các công nghệ của nền kinh tế, giống như các kỹ năng làm bánh, được cập nhật một cách chậm chạp và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì tiến bộ công nghệ đã tạo ra một cuộc cách mạng trong sản xuất, thời gian cần thiết để sản xuất một đôi giầy giảm chỉ còn một nửa chỉ sau vài thập kỷ; điều tương tự cũng diễn ra cho công việc kéo sợi và dệt, hay công việc làm bánh trong một nhà máy. Điều này đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc cách mạng công nghệ liên tục tiếp diễn, trong đó thời gian cần thiết để sản xuất hầu hết các sản phẩm giảm liên tục qua từng thế hệ.

Những thay đổi trong công nghệ chiếu sáng

Để cảm nhận được mức độ thay đổi chưa từng có này, chúng ta có thể xem xét quá trình thay đổi trong cách thức con người sản xuất ánh sáng. Đối với hầu hết lịch sử loài người, những tiến bộ về công nghệ chiếu sáng diễn ra chậm chạp. Từ xa xưa, tổ tiên chúng ta chắc không có gì sáng hơn một ngọn lửa đốt ngoài trời vào ban đêm. Công thức sản xuất ánh sáng (nếu thật sự tồn tại) có thể sẽ chỉ đơn giản là: kiếm thật nhiều củi, mượn một cây đuốc từ một nơi có lửa, rồi đốt lửa và tìm cách duy trì ngọn lửa.

Bước đột phá lớn đầu tiên về công nghệ chiếu sáng xuất hiện cách đây 40.000 năm, với việc sử dụng đèn đốt bằng dầu động vật hoặc thực vật. Chúng ta đo lường tiến bộ công nghệ chiếu sáng bằng việc xem xét có bao nhiêu đơn vị độ sáng (được gọi là đơn vị quang thông (lumen)) được tạo ra trong một giờ lao động. Một quang thông xấp xỉ lượng ánh sáng trong một mét vuông ánh trăng. Một quang thông-giờ (lm-hr) là lượng ánh sáng này duy trì trong một giờ. Ví dụ, tạo ra ánh sáng bằng việc đốt lửa ngoài trời sẽ tốn khoảng một giờ lao động để sản xuất 17 lm-hr, còn một chiếc đèn dùng mỡ động vật tạo ra 20 lm-hr cho cùng một lượng lao động. Vào thời kỳ Babylon (năm 1750 trước Công nguyên), một chiếc đèn cải tiến sử dụng dầu mè đã được phát minh giúp một giờ lao động tạo ra được 24 lm-hr. Cải tiến khiêm tốn này cũng mất tới 7.000 năm.

Ba ngàn năm sau, vào đầu thế kỷ 19, hình thức chiếu sáng hiệu quả nhất (sử dụng nến làm từ mỡ động vật) cung cấp một lượng ánh sáng trong một giờ gấp chín lần chiếc đèn dùng mỡ động vật của thời kỳ trước. Kể từ đó, việc chiếu sáng ngày càng trở nên hiệu quả hơn với sự xuất hiện của đèn khí ga, đèn dầu hỏa, bóng đèn dây tóc, bóng đèn huỳnh quang và các hình thức chiếu sáng khác. Bóng đèn huỳnh quang dạng nhỏ gọn xuất hiện từ năm 1992 có hiệu suất cao hơn khoảng 45.000 lần tính theo lượng lao động sử dụng, so với phương thức chiếu sáng của 200 năm trước. Ngày nay, năng suất lao động trong việc chiếu sáng của chúng ta lớn gấp 500.000 lần so tổ tiên của mình bên đống lửa ngoài trời.

Hình 1.3 biểu thị sự tăng trưởng đáng kể này ở mô hình chiếc gậy khúc côn cầu trong lịch sử về hiệu quả chiếu sáng với việc sử dụng thang đo tỷ lệ mà chúng ta đã được giới thiệu trong Hình 1.1b.

Lumen-giờ mỗi giờ lao động (100.000 năm trước cho tới hiện tại).
Toàn màn hình

Hình 1.3 Năng suất lao động trong sản xuất ánh sáng.

William Nordhaus. 1998. ‘Do Real Output and Real Wage Measures Capture Reality? The History of Lighting Suggests Not’. Cowles Foundation For Research in Economics Paper 1078.

Những biến đổi công nghệ mang tính bước ngoặt vẫn tiếp tục diễn ra. Hans Rosling phát biểu rằng chúng ta nên ‘bày tỏ sự biết ơn tới quá trình công nghiệp hóa’ vì đã tạo ra chiếc máy giặt, một thiết bị đã làm thay đổi toàn diện cuộc sống của hàng triệu người phụ nữ.

Quá trình đổi mới không kết thúc cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp, như trường hợp về năng suất lao động trong chiếu sáng đã chỉ ra. Nó tiếp tục diễn ra với việc áp dụng các công nghệ mới trong nhiều ngành công nghiệp khác như động cơ hơi nước, điện, giao thông (kênh đào, đường sắt, ô tô) và gần đây nhất là cuộc cách mạng trong xử lý và truyền tải thông tin. Những đổi mới công nghệ với khả năng ứng dụng rộng rãi này tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự tăng trưởng trong mức sống.

Bằng cách giảm lượng thời gian lao động để sản xuất những thứ cần thiết, những thay đổi công nghệ giúp tạo ra sự gia tăng đáng kể trong mức sống. Nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế David Landes đã viết rằng cuộc cách mạng công nghiệp chính là ‘một chuỗi các thay đổi công nghệ liên kết với nhau’ làm thay đổi một cách căn bản xã hội nơi quá trình ấy diễn ra.7

Một thế giới kết nối

Bài hát Hàn Quốc ‘Gangnam Style’ được phát hành vào tháng 7 năm 2012. Đến cuối năm 2012, nó đã trở thành bài hát bán chạy nhất ở 33 quốc gia, bao gồm Úc, Nga, Canada, Pháp, Tây Ban Nha và Anh. Với 2 tỷ lượt xem cho đến giữa năm 2014, ‘Gangnam Style’ cũng trở thành video được xem nhiều nhất trên YouTube. Cuộc cách mạng công nghệ liên tục đã tạo ra một thế giới kết nối như vậy.

Tất cả mọi người đều là một phần của thế giới đó. Những thành phần của cuốn tài liệu nhập môn kinh tế học này được chuẩn bị bởi nhóm các nhà kinh tế học, các nhà thiết kế, các lập trình viên và các biên tập viên, làm việc cùng nhau–thường là đồng thời-với sự hỗ trợ của máy tính tại Anh, Ấn Độ, Mỹ, Nga, Colombia, Nam Phi, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và nhiều quốc gia khác. Khi bạn ở trên mạng internet, việc truyền dẫn thông tin diễn ra với tốc độ gần với vận tốc ánh sáng. Trong khi hầu hết các hàng hóa giao dịch trên toàn cầu chỉ được vận chuyển với tốc độ của một con tàu vận tải đại dương thông thường, tức là khoảng 21 dặm (33 km) một giờ, các giao dịch tài chính quốc tế được hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn hơn thời gian bạn cần để đọc câu văn này.

Tốc độ trao đổi thông tin cho chúng ta thêm các bằng chứng về tính đột phá của cuộc cách mạng công nghệ liên tục tiếp diễn. Bằng việc so sánh ngày diễn ra một sự kiện lịch sử với ngày mà sự kiện đó được nhắc đến lần đầu tiên tại các địa điểm khác (trong nhật ký, tạp chí hoặc tờ báo), chúng ta có thể xác định tốc độ truyền tải tin tức. Ví dụ, khi Abraham Lincoln được bầu làm tổng thống Mỹ năm 1860, thông tin được truyền đi bằng điện báo từ Washington đến Fort Kearny, nằm ở cực tây của đường dây điện báo. Tiếp đó, các tin tức được chuyển đi bằng một hệ thống những người truyền tin cưỡi ngựa, làm việc theo kíp với tên gọi The Pony Express, trên khoảng cách 1.260 dặm (2030 km) đến Fort Churchill ở Nevada, sau đó được chuyển tới California bằng điện tín. Quá trình này mất 7 ngày 17 giờ. Trong phần đường của The Pony Express, tin tức được truyền đi với vận tốc 7 dặm (11 km) một giờ. Một lá thư nửa ao-xơ (14 gam) được chuyển qua tuyến đường này mất chi phí là 5 đô la, tương đương với năm ngày lương lúc bấy giờ.

Với những tính toán tương tự, chúng ta biết được rằng tin tức truyền đi giữa Roma và Ai Cập cổ đại với tốc độ khoảng 1 dặm (1,6 km) mỗi giờ. 1.500 năm sau, giữa Venice và các thành phố khác quanh Địa Trung Hải, tin tức truyền đi dường như còn chậm hơn một chút. Nhưng, chỉ một vài thế kỷ sau, tốc độ này tăng nhanh chóng như có thể thấy trong Hình 1.4. ‘Chỉ’ mất 46 ngày để người dân Luân Đôn biết được tin tức về một cuộc binh biến của quân đội Ấn Độ chống lại ách cai trị của Anh vào năm 1857, và các độc giả của tờ Thời báo tại Luân Đôn biết về vụ ám sát Lincoln chỉ 13 ngày sau khi sự kiện đó diễn ra. Một năm sau thời điểm Lincoln qua đời, một đường dây cáp xuyên Đại Tây Dương đã cắt ngắn thời gian truyền tải tin tức giữa New York và Luân Đôn xuống chỉ còn tính bằng phút.

Tốc độ truyền tải thông tin (1000–1865).
Toàn màn hình

Hình 1.4 Tốc độ truyền tải thông tin (1000–1865).

Bảng 15.2 and 15.3 được lấy từ Gregory Clark. 2007. A Farewell to Alms: A Brief Economic History of the World. Princeton, NJ: Princeton University Press.

1.5 Nền kinh tế và môi trường

Con người vẫn luôn dựa vào môi trường tự nhiên để có những nguồn lực cần thiết cho sự sống và sinh kế của mình: bao gồm môi trường vật chất và sinh quyển (tập hợp tất cả các thực thể sống trên trái đất) cung cấp những những thứ thiết yếu cho sự sống như không khí, nước và thực phẩm. Môi trường cũng cung cấp những nguyên liệu thô chúng ta sử dụng để sản xuất các hàng hóa khác như gỗ, kim loại, và dầu.

Hình 1.5 chỉ ra một cách kiến giải về nền kinh tế: nền kinh tế là một phần của một hệ thống xã hội lớn hơn và hệ thống xã hội này lại là một phần của sinh quyển. Con người tương tác với nhau, và với thiên nhiên, trong hoạt động sinh kế của mình.

Nền kinh tế là một phần của một hệ thống xã hội và hệ thống xã hội này là một phần của sinh quyển.
Toàn màn hình

Hình 1.5 Nền kinh tế là một phần của một hệ thống xã hội và hệ thống xã hội này là một phần của sinh quyển.

Xuyên suốt gần hết chiều dài lịch sử, con người đã xem tài nguyên thiên nhiên là sẵn có và vô tận (ngoại trừ chi phí để khai thác chúng). Cho đến khi sản xuất tăng mạnh (xem Hình 1.1a và 1.1b), việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên cùng với sự suy thoái của môi trường tự nhiên cũng tăng lên tương ứng. Các thành phần của hệ sinh thái như không khí, nước, đất, và thời tiết càng ngày càng bị biến đổi nghiêm trọng dưới bàn tay con người.

Ảnh hưởng dễ thấy nhất chính là biến đổi khí hậu. Hình 1.6a và 1.6b cho thấy những bằng chứng về việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch-than đá, dầu, và khí tự nhiên-gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường tự nhiên. Sau nhiều thế kỷ giữ ở mức gần như không đổi, việc gia tăng phát thải CO2 trong thế kỷ 20 đã tạo ra khối lượng CO2 lớn hơn đáng kể trong khí quyển trái đất (Hình 1.6a) và gây ra sự gia tăng rõ rệt trong nhiệt độ trung bình ở bắc bán cầu (Hình 1.6b). Hình 1.6a cũng cho thấy lượng khí thải CO2 từ việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đã tăng đáng kể từ năm 1800.

Bài tập 1.5 Nhiệt độ ấm hơn hoặc lạnh hơn vài độ gây ra ảnh hưởng như thế nào?

Từ năm 1300 đến năm 1850, chúng ta chứng kiến một số giai đoạn đặc biệt lạnh như có thể thấy trong Hình 1.6b. Hãy tìm hiểu về cái gọi là ‘kỷ băng hà nhỏ’ này tại châu Âu và trả lời các câu hỏi sau.

  1. Hãy mô tả ảnh hưởng của những giai đoạn đặc biệt lạnh này đối với nền kinh tế của các quốc gia này.
  2. Trong một quốc gia hoặc một khu vực, một số nhóm người bị ảnh hưởng cực kì nặng nề bởi biến đổi khí hậu trong khi một số nhóm khác lại ít bị ảnh hưởng hơn. Hãy đưa ra một vài ví dụ.
  3. Những giai đoạn lạnh một cách ‘cực đoan’ này khác biệt ra sao so với sự gia tăng nhiệt độ từ giữa thế kỷ 20 hay sự gia tăng được dự báo trong tương lai.

Hình 1.6b cho thấy nhiệt độ trung bình cuả trái đất có dao động từ thập kỷ này sang thập kỷ khác. Có nhiều yếu tố có thể gây ra sự biến động này. Có thể kể đến hoạt động phun trào của núi lửa như Sự kiện núi lửa Tambora phun trào tại In-đô-nê-xi-a năm 1815. Khối lượng tro được phun trào bởi núi Tambora nhiều đến mức gây ra sự sụt giảm đáng kể nhiệt độ của trái đất đến từ hiệu ứng làm mát của các hạt mịn này trong khí quyển, và năm 1816 được gọi là ‘năm không có mùa hè’.

Lượng khí thải cacbon trong khí quyển (1010–2010) và lượng khí thải cacbon toàn cầu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch (1750–2010).
Toàn màn hình

Hình 1.6a Lượng khí thải cacbon trong khí quyển (1010–2010) và lượng khí thải cacbon toàn cầu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch (1750–2010).

Years 1010–1975: David M. Etheridge, L. Paul Steele, Roger J. Francey, and Ray L. Langenfelds. 2012. ‘Historical Record from the Law Dome DE08, DE08-2, and DSS Ice Cores’. Division of Atmospheric Research, CSIRO, Aspendale, Victoria, Australia. Years 1976–2010: Data from Mauna Loa observatory. T. A. Boden, G. Marland, and Robert J. Andres. 2010. ‘Global, Regional and National Fossil-Fuel CO2 Emissions’. Carbon Dioxide Information Analysis Center (CDIAC) Datasets.

Kể từ năm 1900, nhiệt độ trung bình đã tăng lên do nồng độ khí nhà kính ngày càng cao. Lượng khí nhà kính này chủ yếu bắt nguồn từ khí thải CO2, thải ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Nhiệt độ Bắc bán cầu được quan sát trong dài hạn (1000–2006).
Toàn màn hình

Hình 1.6b Nhiệt độ Bắc bán cầu được quan sát trong dài hạn (1000–2006).

Michael E. Mann, Zhihua Zhang, Malcolm K. Hughes, Raymond S. Bradley, Sonya K. Miller, Scott Rutherford, and Fenbiao Ni. 2008. ‘Proxy-based reconstructions of hemispheric and global surface temperature variations over the past two millennia’. Proceedings of the National Academy of Sciences 105 (36): pp. 13252–13257.

Thực tế là khí hậu đang biến đổi và nguyên nhân của nó đến từ con người đã trở thành những vấn đề không còn phải bàn cãi trong cộng đồng khoa học. Sự nóng lên toàn cầu có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng: sự tan chảy của các tảng băng ở hai cực, mực nước biển dâng cao có thể nhấn chìm một phần rộng lớn các vùng ven biển, và những thay đổi về khí hậu và lượng mưa có thể phá hủy các khu vực trồng trọt trên thế giới. Các hậu quả vật chất và hậu quả kinh tế dài hạn của những thay đổi này, cùng với các chính sách mà chính phủ có thể áp dụng sẽ được thảo luận chi tiết trong Bài 20 (Kinh tế học môi trường).

Nguồn có thẩm quyền cao nhất cho các nghiên cứu và dữ liệu về biến đổi khí hậu là Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu là một sự thay đổi toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều tác động môi trường của việc đốt nhiên liệu hóa thạch lại mang tính địa phương, ví dụ như khi cư dân một số thành phố mắc phải các căn bệnh về đường hô hấp và các bệnh khác do nguyên nhân là mức khí thải độc hại cao từ các nhà máy điện, xe cộ và các nguồn khác. Các cộng đồng ở nông thôn cũng bị ảnh hưởng bởi nạn phá rừng (một nguyên nhân khác của biến đổi khí hậu) và sự cạn kiệt nguồn nước sạch hay nguồn cá.

Từ biến đổi khí hậu toàn cầu tới việc cạn kiệt tài nguyên ở địa phương, những hiệu ứng này là kết quả của cả sự mở rộng của nền kinh tế (được minh họa bằng sự tăng trưởng tổng sản lượng) lẫn cách thức tổ chức của nền kinh tế (ví dụ như cái gì thì sẽ được coi trọng và bảo tồn). Mối quan hệ giữa nền kinh tế và môi trường như chỉ ra như trong Hình 1.5 diễn ra theo hai chiều: chúng ta sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất, điều này lại có thể ảnh hưởng tới môi trường sống của chúng ta và khả năng môi trường có thể hỗ trợ cho quá trình sản xuất trong tương lai.

Nhưng bản thân cuộc cách mạng công nghệ liên tục tiếp diễn-vốn là nguyên nhân gây ra sự phụ thuộc của chúng ta vào nhiên liệu hóa thạch-cũng có thể là một phần của giải pháp cho các vấn đề môi trường hiện nay.

Quay lại với Hình 1.3 để quan sát năng suất lao động trong chiếu sáng. Sự gia tăng trong suốt tiến trình lịch sử và đặc biệt là từ giữa thế kỷ 19 xảy ra chủ yếu là do lượng ánh sáng có thể được tạo ra từ một đơn vị nhiệt (ví dụ từ lửa trại, nến hoặc bóng đèn) đã tăng lên đáng kể.

Cuộc cách mạng công nghệ liên tục tiếp diễn mang lại cho chúng ta nhiều ánh sáng và tiêu tốn ít nhiệt hơn, điều này góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên-từ củi đến nhiên liệu hóa thạch-được dùng để tạo ra nhiệt. Những tiến bộ trong công nghệ ngày nay có thể cho phép chúng ta trông cậy nhiều hơn vào gió, vào mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác.

Câu hỏi 1.4 Lựa chọn (các) đáp án đúng

Những biến nào sau đây tuân theo quỹ đạo hình gậy khúc côn cầu - tức là hầu như không tăng trưởng trong suốt chiều dài lịch sử, nhưng sau đó chuyển thành tăng trưởng dương một cách đột ngột.

  • GDP bình quân đầu người
  • năng suất lao động
  • bất bình đẳng
  • CO2 trong khí quyển
  • GDP bình quân đầu người tăng trưởng chậm hoặc hầu như không tăng ở hầu hết các nền kinh tế trước khi công nghiệp hóa diễn ra, khi đó chỉ số này bắt đầu tăng lên với tốc độ ngày càng cao.
  • Năng suất lao động tăng trưởng chậm hoặc hầu như không tăng ở hầu hết các nền kinh tế trước khi công nghiệp hóa diễn ra, khi đó chỉ số này bắt đầu tăng lên với tốc độ ngày càng cao.
  • Không có xu thế rõ ràng nào trong thay đổi của bất bình đẳng theo thời gian. Trong khi các bộ lạc săn bắn-hái lượm thời tiền sử gần như bình đẳng một cách hoàn hảo, các nền kinh tế hiện đại có mức độ bất bình đẳng rất khác nhau, từ rất cao cho đến rất thấp.
  • Xem Hình 1.6a. Sự tăng lên của CO2 trong khí quyển bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ 19, hậu quả của việc đốt các nguyên liệu hóa thạch khi công nghệ này được sử dụng trong giai đoạn Cách mạng Công nghiệp.

1.6 Định nghĩa chủ nghĩa tư bản: sở hữu tư nhân, thị trường và doanh nghiệp

Số liệu trong các Hình 1.1a, 1.1b, 1.3, 1.41.6 đều cho thấy điểm tăng đột biến, giống như điểm uốn trên chiếc gậy khúc côn cầu, những hình này biểu diễn:

  • Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người
  • Năng suất lao động (lượng ánh sáng sản xuất ra trong mỗi giờ lao động)
  • Sự kết nối giữa các khu vực khác nhau trên thế giới (tốc độ lan truyền tin tức)
  • Tác động của nền kinh tế đối với môi trường toàn cầu (phát thải carbon và biến đổi khí hậu)

Chúng ta lý giải như thế nào về sự thay đổi từ một thế giới với những điều kiện sống hầu như không bao giờ thay đổi (trừ phi có chiến tranh hay dịch bệnh) thành một thế giới mà các thế hệ sau luôn có những điều kiện sống tốt hơn rõ rệt so với thế hệ trước?

Một phần quan trọng của câu trả lời cho câu hỏi này chính là cuộc cách mạng của chủ nghĩa tư bản: sự xuất hiện từ thế kỷ 18 và quá trình dần lan rộng trên phạm vi toàn cầu của một cách thức tổ chức nền kinh tế với tên gọi tư bản chủ nghĩa. Thuật ngữ ‘chủ nghĩa tư bản’-mà chúng ta sẽ định nghĩa ngay sau đây-hầu như chẳng được ai biết đến khoảng một thế kỷ trước, nhưng như thể hiện trong Hình 1.7, kể từ thời điểm đó nó đã rất nhanh chóng trở nên phổ biến. Hình 1.7 biểu diễn tỷ lệ các bài báo đăng trên tờ Thời báo New York (ngoại trừ mục thể thao) đề cập đến thuật ngữ ‘chủ nghĩa tư bản’.

Tỷ lệ sử dụng cụm từ ‘chủ nghĩa tư bản’ trong các bài báo đăng trên tờ Thời báo New York (1851–2015).
Toàn màn hình

Hình 1.7 Tỷ lệ sử dụng cụm từ ‘chủ nghĩa tư bản’ trong các bài báo đăng trên tờ Thời báo New York (1851–2015).

Tính toán của Simon DeDeo, Santa Fe Institute, dựa trên số liệu của tờ Thời báo New York. 2016. ‘NYT article archive’.

chủ nghĩa tư bản
Hệ thống kinh tế trong đó loại hình chính của tố chức kinh tế là doanh nghiệp, trong đó chủ sở hữu tư nhân của hàng hoá tư bản thuê lao động để sản xuất hàng hoá và dịch vụ đem bán trên thị trường với mục tiêu tạo ra lợi nhuận. Các thể chế kinh tế chính trong hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa bao gồm sở hữu tư nhân và tài sản, thị trường và doanh nghiệp.
hệ thống kinh tế
Một cách thức để tổ chức nền kinh tế với sự khác biệt ở những thể chế cơ bản. Những hệ thống kinh tế trong quá khứ và ở hiện tại bao gồm: kế hoạch hoá tập trung (Liên Bang Sô Viết trong thế kỷ 20), phong kiến (hầu hết Châu Âu thời kỳ Đầu Trung Cổ), sở hữu nô lệ (Miền Nam nước Mỹ và các nền kinh tế đồn điền ở vùng Ca-ri-bê trước khi nô lệ được giải phóng trong thế kỷ 19), và tư bản chủ nghĩa (hầu hết các nền kinh tế trên thế giới hiện nay).
thể chế
Luật pháp cũng như những quy định không chính thức điều chỉnh tương tác xã hội giữa con người với nhau và giữa con người và môi trường sống.

Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống kinh tế đặc trưng bởi một sự kết hợp nhất định của các thể chế. Một hệ thống kinh tế được hiểu là cách thức tổ chức sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế quốc dân. Ở đây chúng ta hiểu thể chế chính là tập hợp các luật lệ và truyền thống xã hội điều chỉnh hoạt động sản xuất và phân phối theo những cách thức khác nhau trong các hộ gia đình, doanh nghiệp và cơ quan Chính phủ.

Sở hữu tư nhân về tài sản

Hàm ý rằng:

  • Các cá nhân có quyền sử dụng tài sản của mình theo cách mà mình chọn lựa
  • Có khả năng loại trừ việc sử dụng của các cá nhân khác với những tài sản đó
  • Có quyền cho tặng hay chuyển nhượng tài sản cho các cá nhân khác …
  • … là người sẽ trở thành chủ sở hữu mới của tài sản

Ở một số nền kinh tế trong quá khứ, các thể chế kinh tế căn bản bao gồm sở hữu tư nhân về tài sản (các cá nhân sở hữu tài sản), các thị trường (nơi mua và bán các hàng hóa) và các hộ gia đình. Hàng hóa thường do các hộ gia đình làm việc cùng nhau sản xuất ra thay vì các doanh nghiệp với ông chủ và những người làm công.

Trong các nền kinh tế khác, chính phủ là thể chế kiểm soát các hoạt động sản xuất, quyết định việc phân phối các hàng hóa như thế nào và cho ai. Đây được gọi là hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Nó từng tồn tại ở một số quốc gia như Liên Xô, Đông Đức và nhiều quốc gia Đông Âu khác trước khi Đảng Cộng sản thôi cầm quyền vào đầu những năm 1990.

Mặc dù chính phủ và các hộ gia đình luôn là những bộ phận cốt yếu trong hoạt động của tất cả các nền kinh tế, hiện nay hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đi theo con đường của chủ nghĩa tư bản. Đa số chúng ta đều sống trong các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, nên chúng ta rất dễ bỏ qua tầm quan trọng của các thể chế căn bản cho sự hoạt động của nó. Những thể chế này đã trở nên quá quen thuộc đến mức dường như nhiều khi ta quên mất sự tồn tại của chúng. Trước khi đi vào xem xét cách mà sở hữu tư nhân, thị trường và doanh nghiệp kết hợp với nhau như thế nào trong hệ thống kinh tế tư bản, ta cần định nghĩa chúng.

Trong quá trình phát triển của lịch sử loài người, nội hàm của khái niệm sở hữu tư nhân đã thay đổi rất nhiều. Trong một số xã hội, ví dụ như tổ tiên của chúng ta-những người săn bắn, hái lượm, các cá nhân hầu như không sở hữu bất cứ thứ gì trừ quần áo và trang sức của mình. Trong một số xã hội khác, lương thực, thực phẩm từ mùa màng, chăn nuôi hay săn bắn là tài sản thuộc sở hữu tư nhân, nhưng đất đai thì không. Quyền sử dụng đất được giao cho các hộ gia đình dựa trên sự đồng thuận giữa các thành viên của một nhóm, hoặc dựa trên quyết định của người đứng đầu, các hộ gia đình không được phép bán phần đất được giao quyền sử dụng.

Trong một vài hệ thống kinh tế, ngay cả con người-như trường hợp của những người nô lệ-cũng trở thành tài sản thuộc sở hữu tư nhân.

hàng hóa tư bản
Những loại đầu vào phi lao động, lâu bền và tốn chi phí được sử dụng trong quá trình sản xuất (máy móc, nhà xưởng) không bao gồm một số đầu vào thiết yếu như không khí, nước, kiến thức sử dụng trong quá trình sản xuất mà không tốn chi phí của người sử dụng.

Trong một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, một loại tài sản quan trọng thuộc sở hữu tư nhân là các nhà xưởng, máy móc, thiết bị, và các đầu vào lâu bền khác được sử dụng trong hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Chúng được gọi là hàng hóa tư bản.

Tài sản thuộc sở hữu tư nhân có thể được sở hữu bởi một cá nhân, một hộ gia đình, một doanh nghiệp, hay một tổ chức không phải chính phủ. Một số thứ có giá trị nhưng không phải là tài sản tư hữu: ví dụ, không khí cho hô hấp và hầu hết các kiến thức trong kho tàng của nhân loại, do chúng ta không thể sở hữu hay mua bán chúng.

Câu hỏi 1.5 Lựa chọn (các) đáp án đúng

Điều nào sau đây là ví dụ về tài sản thuộc sở hữu tư nhân?

  • máy vi tính ở trường đại học của bạn
  • đất của một nông dân ở Liên Xô cũ
  • cổ phần ở một công ty
  • kỹ năng của một người công nhân
  • Mặc dù những chiếc máy tính ở trường đại học có thể được sử dụng bởi rất nhiều sinh viên khác nhau, chúng vẫn là tài sản của trường, sinh viên được yêu cầu phải trả tiền (học phí) mới được phép sử dụng và trường có thể ngăn cản những người không phải là sinh viên sử dụng máy tính.
  • Ở thời Liên Xô cũ, nhà nước có thể chuyển đất đai của bạn sang cho những người khác, vì thế nó không phải là tài sản thuộc sở hữu tư nhân.
  • Cổ phần ở một công ty đại diện cho quyền sở hữu đối với một phần lời nhuận của công ty trong tương lai; quyền này có thể được cho, tặng, hoặc chuyển thành tiền theo ý của chủ sở hữu, và đại diện cho nguồn thu nhập mà những người không phải là cổ đông không được hưởng.
  • Mặc dù các sở hữu trí tuệ là tài sản thuộc sở hữu tư nhân (của công ty của bạn, trường đại học của bạn hoặc chính bạn), thông thường kỹ năng của bạn không thể chuyển quyền sở hữu cho người khác được.

Thị trường

Thị trường là:

  • Cách thức kết nối những người có thể mang lại lợi ích cho nhau
  • bằng cách trao đổi hàng hóa, dịch vụ
  • thông qua quá trình mua và bán

Thị trường là công cụ chuyển giao hàng hóa và dịch vụ từ người này sang người khác. Có rất nhiều cách thức chuyển giao khác như trộm cắp, trao tặng hay mệnh lệnh của chính phủ. Thị trường khác biệt so với các cách thức chuyển giao này ở 3 khía cạnh sau:

Chúng là sự trao đổi qua lại: không giống như trao tặng hay trộm cắp, việc chuyển giao hàng hóa hay dịch vụ của một người được bù đắp bằng sự chuyển giao theo hướng ngược lại (có thể bằng loại hàng hóa, dịch vụ khác như trong giao dịch hàng đổi hàng, hay tiền tệ hoặc một cam kết thanh toán chậm khi mua chịu). Chúng được thực hiện một cách tự nguyện: Hai bên trao đổi - người mua và người bán - đều tự nguyện vì những thứ trao đổi đều là tài sản tư hữu. Như vậy hoạt động trao đổi này phải làm lợi cho cả hai bên tham gia. Ở khía cạnh này, thị trường hoàn toàn khác với hoạt động trộm cắp và cũng như chuyển giao hàng hóa, dịch vụ trong một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung.

Trong hầu hết các thị trường đều có sự cạnh tranh. Ví dụ, một người bán đặt giá cao hơn sẽ thấy khách hàng chuyển sang ưu tiên mua của những người bán cạnh tranh với anh ta.

Bài tập 1.6 Túp lều của người nghèo khó nhất

‘Người nghèo khó nhất sống trong túp lều của mình có thể thách thức quân đội Hoàng gia Anh. Túp lều có thể rất yếu, mái có thể rung; gió có thể lùa; bão đến và có thể bị dột khi mưa—nhưng Nhà vua Anh không thể bước vào; tất cả quân đội hoàng gia cũng không thể bước qua ngưỡng cửa của túp lều đổ nát đó.’ – William Pitt, Bá tước thứ nhất Vùng Chatham, Bài phát biểu tại Quốc hội Anh (1763).

  1. Câu chuyện này cho ta thấy điều gì về ý nghĩa của sở hữu tư nhân về tài sản?
  2. Điều này có đúng cho những ngôi nhà trên đất nước của bạn không?

Bài tập 1.7 Thị trường và mạng xã hội

Hãy nghĩ đến một mạng xã hội mà bạn sử dụng, ví dụ Facebook. Từ đó xem xét định nghĩa về thị trường.

Đâu là những điểm giống và khác nhau giữa mạng xã hội và thị trường?

Câu hỏi 1.6 Chọn (các) đáp án đúng

Những trường hợp nào sau đây là ví dụ về thị trường?

  • phân bổ thực phẩm thời chiến
  • các trang web đấu giá như eBay
  • những người phe vé ở bên ngoài rạp hát
  • mua bán vũ khí bất hợp pháp
  • Việc chuyển giao các hàng hóa dịch vụ diễn ra trong một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung theo mệnh lệnh của chính phủ không phải là một thị trường.
  • Thị trường dựa trên việc đấu giá vẫn là một thị trường, chỉ là trong đó cơ chế giá hoạt động thông qua việc đấu giá chứ không phải là thương lượng hay dựa trên các mức giá có sẵn.
  • Thị trường bán lại vẫn là một thị trường, mặc dù hàng hóa được trao đổi đã từng được bán trước đó.
  • Thị trường bất hợp pháp vẫn là một thị trường trên quan điểm kinh tế học.

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp là một cách thức tổ chức sản xuất với các đặc điểm sau:

  • Gồm một hoặc nhiều cá nhân sở hữu các hàng hóa tư bản sử dụng trong quá trình sản xuất.
  • Trả tiền công, tiền lương cho người lao động.
  • Sử dụng người lao động (thông qua những người quản lý mà doanh nghiệp tuyển dụng) để sản xuất hàng hóa và dịch vụ.
  • Hàng hóa, dịch vụ sản xuất ra là tài sản thuộc về những người chủ sở hữu doanh nghiệp.
  • Những người chủ sở hữu doanh nghiệp bán các hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nhằm thu được lợi nhuận.

Tuy nhiên, chỉ sở hữu tư nhân và thị trường không tạo nên chủ nghĩa tư bản. Ở nhiều quốc gia chúng đã là những thể chế quan trọng trong nền kinh tế từ rất lâu trước khi chủ nghĩa tư bản hình thành. Bộ phận ra đời muộn nhất trong 3 thành phần tạo nên nền kinh tế tư bản chủ nghĩa chính là doanh nghiệp.

Các loại hình doanh nghiệp giúp tạo nên nền kinh tế tư bản chủ nghĩa bao gồm các nhà hàng, các ngân hàng, các trang trại lớn sử dụng lao động thuê mua, các cơ sở sản xuất công nghiệp, các siêu thị, và các nhà cung cấp dịch vụ internet. Các tổ chức sản xuất kinh doanh khác không phải là doanh nghiệp và có vai trò thấp hơn trong một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa bao gồm các hộ kinh doanh, trong đó hầu hết hoặc tất cả người tham gia sản xuất là các thành viên trong gia đình, các tổ chức phi lợi nhuận, các hợp tác xã và các tổ chức của chính phủ (như các công ty đường sắt, điện lực, cấp nước). Các tổ chức này không phải là doanh nghiệp vì chúng không có mục tiêu là lợi nhuận, hoặc chủ sở hữu không phải là các cá nhân cụ thể sở hữu các tài sản của tổ chức và trả công cho các lao động khác. Cần lưu ý rằng: nếu một doanh nghiệp trả tiền công, tiền lương cho người lao động nhưng không trả lương cho các sinh viên thực tập, nó vẫn được coi là doanh nghiệp.

thị trường lao động
Trong thị trường này, những người sử dụng lao động đưa ra các mức tiền lương để những người lao động chấp nhận làm việc cho họ. Các nhà kinh tế học coi người sử dụng lao động nằm ở phía cầu của thị trường, còn người lao động nằm ở phía cung. Xem thêm: lực lượng lao động.

Các doanh nghiệp đã tồn tại, nhưng đóng vai trò dường như không đáng kể, trong nhiều nền kinh tế rất lâu trước khi chúng trở thành các tổ chức then chốt đối với hoạt động sản xuất các hàng hóa và dịch vụ, như trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Vai trò ngày càng quan trọng của doanh nghiệp tạo ra sự bùng nổ trên một loại thị trường khác, vốn dĩ có vai trò rất hạn chế trong các hệ thống kinh tế trước đây: thị trường lao động. Những người chủ sở hữu (hoặc những người quản lý) doanh nghiệp tuyển dụng các vị trí việc làm ở những mức tiền công, tiền lương đủ cao để hấp dẫn những người đang tìm kiếm việc làm.

phía cầu
Phía thị trường mà những người tham ra trả tiền để nhận được các loại hàng hóa dịch vụ (ví dụ như người mua thực phẩm). Xem thêm: phía cung.
phía cung
Phía thị trường mà những người tham gia cung cấp hàng hóa và dịch vụ để được nhận lại tiền (ví dụ như người bán thực phẩm). See also: demand side.

Trong ngôn ngữ kinh tế, những người chủ sử dụng lao động là phía cầu của thị trường lao động (họ ‘cầu’ những người lao động), trong khi đó những người lao động là phía cung, sẵn sàng làm việc dưới sự điều hành của những người chủ sở hữu và quản lý thuê mướn họ.

Một đặc điểm nổi bật của các doanh nghiệp, khác hẳn so với các hộ gia đình và chính phủ, là tốc độ hình thành, phát triển và thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như giải thể của nó. Một doanh nghiệp thành công có thể tăng trưởng từ mức chỉ sử dụng một vài lao động thành một công ty đa quốc gia với hàng trăm nghìn khách hàng, tuyển dụng hàng nghìn nhân viên chỉ trong vài năm. Các doanh nghiệp đạt được điều này vì họ có thể thuê mướn thêm lao động trên thị trường và thu hút các nguồn tài chính nhằm mua sắm các hàng hóa tư bản cần thiết để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp cũng có thể ngừng hoạt động chỉ trong một vài năm. Bởi vì một doanh nghiệp không có lợi nhuận sẽ không có đủ dòng tiền (và sẽ không có khả năng vay tiền) để tiếp tục thuê mướn lao động và sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp này bị thu hẹp và một số người lao động sẽ mất việc làm.

Điều này ngược với trường hợp của một trang trại gia đình thành công. Hộ này sẽ thu lợi nhiều hơn so với các hộ khác; tuy nhiên sự mở rộng của nó là có giới hạn, trừ khi nó chuyển đổi thành một doanh nghiệp và thuê mướn những người lao động khác làm việc cho mình. Ngược lại, nếu hộ này không giỏi trong sản xuất nông nghiệp thì đơn giản là họ sẽ thu lợi kém hơn với các hộ khác. Các hộ gia đình không thể sa thải con cháu mình như việc doanh nghiệp loại bỏ những người lao động năng suất thấp. Chừng nào mà các hộ gia đình còn có thể nuôi sống bản thân mình, sẽ không có cơ chế nào giống như việc một doanh nghiệp thất bại tự động bị đào thải khỏi hoạt động kinh doanh.

Các tổ chức của chính phủ cũng có xu hướng bị hạn chế về khả năng mở rộng nếu chúng thành công, và thường được bảo hộ nếu hoạt động kém hiệu quả.

Định nghĩa chính xác chủ nghĩa tư bản

Trong ngôn ngữ đời thường, thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản” có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau, một phần vì từ này thường gợi cho người ta những cảm xúc mạnh. Trong ngôn ngữ kinh tế, ta cần sử dụng thuật ngữ này một cách chính xác vì điều đó giúp truyền đạt thông tin dễ dàng hơn: chủ nghĩa tư bản là một hệ thống kinh tế bao gồm 3 thể chế xác định.

‘Chủ nghĩa tư bản’ không gắn với một hệ thống kinh tế cụ thể nào mà thay vào đó là một nhóm các hệ thống có cùng những đặc điểm nhất định. Cách các thể chế của chủ nghĩa tư bản-sở hữu tư nhân về tài sản, thị trường và doanh nghiệp-kết hợp với nhau cũng như với các hộ gia đình, chính phủ và các thể chế khác sẽ quyết định sự khác biệt căn bản giữa các quốc gia. Cũng giống như nước đá và hơi nước, chúng đều là ‘nước’ (theo định nghĩa hóa học là hỗn hợp của 2 phân tử hydro và 1 phân tử oxy), Trung Quốc và Mỹ đều là các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, chúng khác nhau về mức độ và cách thức ảnh hưởng của Chính phủ đối với các hoạt động kinh tế. Qua những ví dụ này, ta thấy rằng các định nghĩa trong khoa học xã hội không thể chính xác và cụ thể như trong các ngành khoa học tự nhiên.

Một số người cho rằng ‘nước đá không thực sự là nước’, và đây không phải là ‘nghĩa đúng’ của từ. Tuy nhiên, những tranh cãi về nghĩa ‘đúng’ (đặc biệt khi đề cập đến những ý tưởng trừu tượng và phức tạp như chủ nghĩa tư bản hay nền dân chủ) bỏ qua việc tại sao những định nghĩa này có giá trị. Hãy coi định nghĩa về nước hay về chủ nghĩa tư bản không phải để mô tả đúng ý nghĩa-mà là một phương tiện có tác dụng làm cho việc truyền đạt trở nên dễ dàng hơn.

Các định nghĩa trong khoa học xã hội thường không thể chính xác như trong khoa học tự nhiên. Không giống như nước, chúng ta không thể sử dụng các thuộc tính vật lý dễ đo lường để định nghĩa hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Bài tập 1.8 Chủ nghĩa tư bản

Dựa trên Hình 1.7.

  1. Hãy lý giải tại sao việc sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa tư bản lại trở nên phổ biến một cách nhanh chóng?
  2. Tại sao nó vẫn rất phổ biến từ sau những năm 1980?

1.7 Chủ nghĩa tư bản với vai trò là một hệ thống kinh tế

Hình 1.8 cho thấy 3 bộ phận trong định nghĩa về hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa có quan hệ với nhau như thế nào. Vòng tròn bên trái mô tả một nền kinh tế với các hộ gia đình độc lập sở hữu các hàng hóa tư bản cũng như các hàng hóa họ sản xuất ra, nhưng hầu như ở đây không có sự trao đổi với những người khác.

Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa bổ sung thêm một yếu tố vào nền kinh tế thị trường, vốn được xây dựng dựa trên các doanh nghiệp gia đình và sở hữu tư nhân về tài sản, đó là các doanh nghiệp.
Toàn màn hình

Hình 1.8 Chủ nghĩa tư bản: sở hữu tư nhân, thị trường và doanh nghiệp

Trong một hệ thống tư bản chủ nghĩa, hoạt động sản xuất diễn ra trong các doanh nghiệp. Thị trường và sở hữu tư nhân là những thành tố thiết yếu đối với sự hoạt động của các doanh nghiệp vì 2 lý do:

  • Các đầu vào và đầu ra là các tài sản thuộc sở hữu tư nhân: Các thiết bị, nhà xưởng, bằng phát minh, sáng chế, và các đầu vào sản xuất khác cũng như các sản phẩm đầu ra thuộc về các chủ sở hữu doanh nghiệp.
  • Các doanh nghiệp sử dụng các thị trường để bán sản phẩm: Lợi nhuận của chủ sở hữu doanh nghiệp phụ thuộc vào các thị trường mà trong đó khách hàng sẵn sàng mua sắm các sản phẩm ở một mức giá cao hơn so với chi phí sản xuất.8

Trong lịch sử, các nền kinh tế giống như vòng tròn phía bên trái trong hình 1.8 đã tồn tại, tuy nhiên chúng không quan trọng bằng một hệ thống kinh tế mà trong đó các thị trường và sở hữu tư nhân về tài sản kết hợp với nhau (vòng tròn giữa). Sở hữu tư nhân là điều kiện tiên quyết đối với sự hoạt động của thị trường: người mua sẽ không muốn chi trả cho các hàng hóa trừ khi họ có quyền sở hữu chúng. Ở vòng tròn giữa hầu hết hoạt động sản xuất được thực hiện bởi các cá nhân (ví dụ thợ đóng giày hay thợ rèn) hoặc trong các hộ gia đình (ví dụ trong một trang trại). Trước những năm 1600 phần lớn các nền kinh tế trên thế giới ở dạng này.

hàng hóa tư bản
Những loại đầu vào phi lao động, lâu bền và tốn chi phí được sử dụng trong quá trình sản xuất (máy móc, nhà xưởng) không bao gồm một số đầu vào thiết yếu như không khí, nước, kiến thức sử dụng trong quá trình sản xuất mà không tốn chi phí của người sử dụng.
quyền sở hữu
Một thứ là tài sản sở hữu tư nhân nếu người sở hữu nó có quyền ngăn người khác sử dụng nó, thu lợi ích từ việc sử dụng nó và trao đổi tài sản với người khác.

Một khía cạnh căn bản trong định nghĩa của chủ nghĩa tư bản trong vai trò một hệ thống kinh tế chính là trong hệ thống này, hầu hết các quá trình sản xuất diễn ra sử dụng các loại hàng hóa tư bản thuộc sở hữu tư nhân, vận hành bởi những người lao động được trả lương. Đặc điểm này tương phản với việc nhà nước sở hữu hàng hoá tư bản trong các nền kinh tế kế hoạch tập trung, nơi vai trò của các doanh nghiệp tư nhân và thị trường là tương đối không quan trọng.

Hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng tương phản với chế độ chủ nô, nơi hầu hết người lao động không được trả lương cho công việc, mà bản thân họ là tài sản của người khác giống như đất đai hay máy móc. Ở ngoài phạm vi những định nghĩa này, hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng bao gồm những công việc được làm bởi viên chức nhà nước, những việc làm không được trả lương trong gia đình và cả nô lệ (trong một số giai đoạn lịch sử).

Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống kinh tế kết hợp giữa tập trung hóa và phi tập trung hóa. Nó tập trung quyền lực vào tay của những người sở hữu và quản lý doanh nghiệp, những người có thể đảm bảo sự phối hợp của một số lượng lớn người lao động trong quá trình sản xuất. Mặt khác, nó cũng hạn chế sức mạnh của những người chủ sở hữu và các cá nhân do họ phải đối mặt với sự cạnh tranh khi mua và bán trên thị trường.

Như vậy khi chủ sở hữu doanh nghiệp tương tác với một người lao động, họ là những ‘ông/bà chủ’. Nhưng cũng người chủ đó khi tương tác với một khách hàng tiềm năng, họ chỉ đơn giản là những cá nhân cạnh tranh với các doanh nghiệp khác để bán sản phẩm. Kết hợp khác thường giữa sự cạnh tranh của các doanh nghiệp với sự tập trung sức mạnh cũng như phối hợp trong nội bộ các doanh nghiệp lý giải cho sự thành công của chủ nghĩa tư bản với vai trò là một hệ thống kinh tế.

Chủ nghĩa tư bản dẫn đến cải thiện mức sống như thế nào?

Có hai thay đổi căn bản gắn liền với sự hình thành của chủ nghĩa tư bản, chúng đều làm tăng năng suất của người lao động:

Công nghệ

Như chúng ta đã thấy, cách mạng công nghệ liên tục tiếp diễn gắn liền với quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế mà ở đó các doanh nghiệp là đối tượng chủ yếu tổ chức hoạt động sản xuất. Điều này không nhất thiết có nghĩa là các doanh nghiệp chính là nguyên nhân tạo ra tiến bộ công nghệ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau trên thị trường có động cơ mạnh mẽ trong ứng dụng và phát triển các công nghệ mới có năng suất cao hơn, cũng như đầu tư vào các hàng hóa tư bản mà các hộ gia đình kinh doanh quy mô nhỏ không thể thực hiện được.

Chuyên môn hóa

Tăng trưởng của các doanh nghiệp với quy mô lao động lớn-và sự mở rộng của các thị trường tạo ra mạng lưới liên kết toàn cầu trong quá trình trao đổi-cho phép mức độ chuyên môn hóa chưa từng có trong lịch sử đối với các sản phẩm và các công đoạn của quá trình sản xuất. Trong phần kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét chuyên môn hóa có thể làm tăng năng suất lao động và mức sống như thế nào.

Bài tập 1.9 Doanh nghiệp hay không phải doanh nghiệp?

Hãy sử dụng định nghĩa đã nêu cho biết trường hợp nào dưới đây là một doanh nghiệp bằng cách xem xét sự thỏa mãn các đặc tính của một doanh nghiệp. Hãy tìm thông tin trên mạng về các tổ chức này nếu bạn không rõ.

  1. Công ty hợp danh John Lewis (UK)
  2. Một trang trại gia đình ở Việt Nam
  3. Phòng khám đa khoa hay Phòng khám bác sĩ gia đình của bạn
  4. Chuỗi siêu thị Walmart (US)
  5. Một con tàu cướp biển thế kỷ 18 (Xem mô tả trong The Royal Rover ở Bài 5)
  6. Google (US)
  7. Câu lạc bộ bóng đá Manchester United (UK)
  8. Wikipedia

1.8 Những lợi ích của chuyên môn hóa

Chủ nghĩa tư bản và chuyên môn hóa

Thử nhìn những đồ vật xung quanh chỗ bạn ngồi. Có bao giờ bạn tự hỏi rằng ai đã làm ra chúng? Hay với quần áo bạn đang mặc, hoặc bất cứ thứ gì khác trong phòng?

Hãy tưởng tượng bạn quay ngược thời gian trở về năm 1776, năm mà Adam Smith viết cuốn Của cải của các quốc gia. Cùng những câu hỏi trên, dù được hỏi ở bất cứ nơi nào trên thế giới, câu trả lời bạn nhận được cũng sẽ rất khác so với bây giờ.

Vào thời điểm ấy, các hộ gia đình tự sản xuất ra nhiều loại mặt hàng mà họ sử dụng trong đời sống hàng ngày, từ lương thực, thịt, đến quần áo và thậm chí cả các loại công cụ lao động. Ở thời của Adam Smith, nhiều thứ trong nhà của bạn được tạo ra bởi các thành viên của gia đình, hoặc những người trong làng. Bản thân bạn sẽ tự làm ra một vài thứ; những thứ khác cũng được sản xuất ở địa phương, sau đó được mua về ở chợ.

tính kinh tế của quy mô
Điều này xảy ra trong trường hợp nếu nhân đôi số lượng tất cả các đầu vào sử dụng trong một quá trình sản xuất dẫn đến việc só lượng đầu ra tăng lên nhiều hơn gấp đôi. Hình dạng của đường chi phí trung bình trong dài hạn của doanh nghiệp sẽ vừa phụ thuộc vào tính kinh tế của quy mô trong sản xuất và vào ảnh hưởng của quy mô tới mức giá mà doanh nghiệp phải trả cho các đầu vào. Còn được gọi là: hiệu suất tăng theo quy mô. Xem thêm: hiệu suất giảm theo quy mô.

Một trong những xu thế thay đổi của xã hội, đã có từ thời của Adam Smith, và từ đó đến nay ngày càng trở nên mạnh mẽ, đó chính là sự chuyên môn hóa trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Như Smith đã chỉ ra, chúng ta sẽ sản xuất hàng hóa hiệu quả hơn khi mỗi cá nhân chỉ tập trung vào một phạm vi công việc nhất định. Có ba lý do khác nhau giải thích cho điều này:

  • Học qua thực tế: Chúng ta phát triển và cải thiện kỹ năng lao động trong quá trình làm việc.
  • Sự khác biệt trong khả năng: Vì sự khác biệt về kỹ năng, hoặc về điều kiện tự nhiên như chất lượng đất đai, một số cá nhân sẽ có lợi thế trong việc sản xuất một số mặt hàng so với những người khác.
  • tính kinh tế của quy mô: Sản xuất một mặt hàng với số lượng lớn thường sẽ tiết kiệm chi phí hơn là sản xuất với số lượng nhỏ. Chúng ta sẽ nghiên cứu vấn đề này chi tiết hơn trong Bài 7.

Trên đây là lợi thế của việc chỉ tập trung vào một số khâu hoặc một số sản phẩm nhất định. Vì thế, mọi người thường không tự sản xuất ra tất cả những hàng hóa và dịch vụ mà họ tiêu dùng hoặc sử dụng trong đời sống thường ngày. Thay vào đó con người sẽ chuyên môn hóa, để một số người sản xuất mặt hàng này, một số người sản xuất mặt hàng khác: vài người sẽ là thợ tiện, người khác sẽ là giáo viên hay nông dân.

Nhưng người ta sẽ không tiến hành chuyên môn hóa trừ khi họ có cách để nhận được những hàng hóa khác mà họ cần.

Vì lý do này, chuyên môn hóa—hay còn gọi là phân công lao động—đặt ra một vấn đề cho xã hội: làm sao để hàng hóa và dịch vụ có thể được phân phối từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng? Lịch sử loài người đã chứng kiến nhiều cách phân phối khác nhau, từ việc chính phủ trực tiếp thực hiện trưng thu và phân phối, như được áp dụng ở Mỹ và nhiều nước khác trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, đến việc trao tặng và chia sẻ tự nguyện-như thường được làm trong các gia đình hiện đại, cũng như trong cộng đồng săn bắn và hái lượm thời tiền sử. Chủ nghĩa tư bản thúc đẩy quá trình chuyên môn hóa bằng cách tăng cường tầm quan trọng của thị trường và doanh nghiệp.

Chuyên môn hóa tồn tại trong cả nền kinh tế lẫn trong mỗi gia đình, nơi mà việc phân công ai làm việc gì trong nhà thường gắn liền với tuổi tác và giới tính. Tuy nhiên, ở đây chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn về phân công lao động trong doanh nghiệp và trong thị trường.

Phân công lao động trong doanh nghiệp

Adam Smith mở đầu cuốn Của cải của các quốc gia với phát biểu:

Sự cải tiến vĩ đại nhất trong năng suất lao động, cũng như trong kĩ năng, sự khéo léo, và óc phán đoán của người lao động, dường như là kết quả của phân công lao động.

Smith tiếp tục bằng việc mô tả một nhà máy sản xuất đinh ghim trong đó chuyên môn hóa các công đoạn giữa những người công nhân đã tạo ra mức năng suất (tính theo số sản phẩm sản xuất mỗi ngày) mà theo ông là đáng kinh ngạc. Doanh nghiệp có thể sử dụng hàng ngàn, hoặc thậm chí hàng trăm ngàn cá nhân khác nhau, mỗi người có một nhiệm vụ cụ thể dưới sự phân công của người chủ hoặc người quản lý doanh nghiệp.

Mô tả này về doanh nghiệp nhấn mạnh vào bản chất phân cấp từ trên xuống dưới của nó. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể hiểu doanh nghiệp như là một cơ chế cho phép một số lượng lớn các cá nhân, mỗi người với tập hợp kĩ năng riêng biệt, có thể cùng đóng góp để tạo ra kết quả chung là sản phẩm đầu ra. Doanh nghiệp do đó đã thúc đẩy quá trình hợp tác giữa những nhà sản xuất chuyên môn hóa giúp cải thiện năng suất lao động.

Chúng ta sẽ quay trở lại với câu hỏi ai làm gì trong doanh nghiệp và tại sao lại như vậy ở Bài 6.

Thị trường, chuyên môn hóa và lợi thế so sánh

Tiêu đề của Chương 3 trong cuốn Của cải của các quốc gia là: ‘Mức độ phân công lao động bị giới hạn bởi quy mô của thị trường’, trong đó Smith giải thích rằng:

Khi quy mô thị trường còn nhỏ, không cá nhân nào có động lực dành tất cả thời gian để chuyên tâm cho một công việc, vì họ thiếu đi khả năng trao đổi phần sản phẩm dư thừa do lao động của họ làm ra mà vượt quá mức tiêu thụ của bản thân, để lấy phần sản phẩm dư thừa trong lao động của những người khác.

Bạn nghĩ gì khi thấy từ ‘thị trường’ được nhắc đến? Phải chăng từ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí bạn chính là ‘cạnh tranh’. Điều đó là hoàn toàn đúng.

Nhưng cũng có thể bạn nghĩ đến sự ‘hợp tác’. Tại sao vậy? Bởi vì thị trường cho phép chúng ta, mỗi cá nhân với những mục đích khác nhau, có thể làm việc cùng nhau để sản xuất và phân phối hàng hóa và dịch vụ. Cơ chế thị trường, mặc dù chưa hoàn hảo, thường tốt hơn nhiều so với các cơ chế khác.

Cơ chế thị trường đã đạt được một kết quả đáng kinh ngạc: sự hợp tác (không chủ tâm) trên quy mô toàn cầu. Những người sản xuất ra chiếc điện thoại trên bàn làm việc của bạn không hề biết hoặc quan tâm gì đến bạn; họ sản xuất chứ không phải bạn vì họ làm việc đó tốt hơn bạn, nhưng bạn vẫn có sản phẩm để sử dụng bởi bạn trả tiền cho họ, cho phép họ có thể mua những thứ họ cần, cũng được sản xuất ra bởi những người hoàn toàn xa lạ.

Một ví dụ đơn giản sẽ minh họa việc khi các cá nhân có năng lực sản xuất khác nhau thì thị trường sẽ cho phép họ chuyên môn hóa. Nó cho thấy một điểm thú vị: tất cả những nhà sản xuất đều thu được lợi ích từ chuyên môn hóa và trao đổi sản phẩm, ngay cả khi điều này khiến cho một nhà sản xuất chuyên môn hóa vào mặt hàng mà người khác có thể sản xuất với chi phí thấp hơn.

Hãy tưởng tượng một thế giới chỉ gồm hai cá nhân (Greta và Carlos), mỗi người đều cần hai loại hàng hóa để sống là táo và lúa mỳ. Họ khác nhau về năng suất trồng táo và lúa mỳ. Nếu Greta dành toàn bộ thời gian của mình, giả sử là 2.000 giờ một năm, cho việc trồng táo, cô ấy sẽ sản xuất được 1.250 quả. Nếu cô chỉ trồng lúa mỳ, mỗi năm cô sẽ sản xuất được 50 tấn. Mảnh đất của Carlos kém màu mỡ hơn so với Greta; nếu anh dành toàn bộ thời gian (cũng là 2.000 giờ một năm) để trồng táo, anh sẽ sản xuất được 1.000 quả, cũng như thế, nếu chỉ trồng lúa mỳ thì anh sẽ sản xuất được 20 tấn. Xem tóm tắt ở Hình 1.9a.

  Sản lượng nếu 100% thời gian được dành cho sản xuất một hàng hóa
Greta 1.250 quả táo hoặc 50 tấn lúa mỳ
Carlos 1.000 quả táo hoặc 20 tấn lúa mỳ

Hình 1.9a Lợi thế tuyệt đối với lợi thế so sánh trong sản xuất táo và lúa mỳ.

lợi thế tuyệt đối
Một cá nhân hay một quốc gia có lợi thế tuyệt đối trong việc sản xuất một hàng hóa nếu số lượng đầu vào cần để sản xuất hàng hóa này ít hơn so với các cá nhân hay quốc gia khác. Xem thêm: lợi thế so sánh.

Mặc dù đất của Carlos kém năng suất hơn Greta trong việc sản xuất cả hai hàng hóa, bất lợi của anh ta so với Greta là ít hơn khi anh sản xuất táo. Trong cùng một thời gian, Greta sản xuất ra lượng lúa mỳ gấp 2,5 lần so với Carlos, nhưng chỉ sản xuất nhiều hơn 25% táo.

Các nhà kinh tế phân biệt ai sản xuất cái gì tốt hơn theo hai cách: lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh.

Greta có lợi thế tuyệt đối trong cả hai hàng hóa. Carlos thì có bất lợi tuyệt đối. Greta có thể sản xuất cả hai mặt hàng nhiều hơn so với anh ta.

lợi thế so sánh
Một cá nhân hay một quốc gia có lợi thế so sánh trong việc sản xuất một loại hàng hóa nếu chi phí sản xuất thêm một đơn vị hàng hóa này (trong mối quan hệ với chi phí sản xuất thêm một loại hàng hóa khác) thấp hơn so với chi phí của cá nhân hay quốc gia khác. Xem thêm: lợi thế tuyệt đối.

Greta có lợi thế so sánh trong sản xuất lúa mỳ; Carlos có lợi thế so sánh trong việc sản xuất táo. Mặc dù Greta làm tốt hơn, bất lợi của Carlos là ít hơn một cách tương đối trong việc sản xuất táo. Greta có lợi thế so sánh trong việc sản xuất lúa mỳ.

Ban đầu, khi Carlos và Greta không thể trao đổi hàng hóa với nhau, cả hai đều phải tự cung tự cấp-tiêu dùng một lượng đúng bằng số sản xuất ra. Vì thế, họ phải sản xuất cả hai hàng hóa. Greta lựa chọn sử dụng 40% thời gian của mình để sản xuất táo, với thời gian còn lại dành để sản xuất lúa mỳ. Cột thứ nhất của Hình 1.9b chỉ ra rằng cô sản xuất và tiêu dùng 500 quả táo và 30 tấn lúa mỳ. Tiêu dùng của Carlos cũng được chỉ ra: anh ta dành 30% thời gian sản xuất táo, 70% thời gian sản xuất lúa mỳ.

Giờ giả sử rằng tồn tại thị trường nơi mà táo và lúa mỳ có thể được mua bán, và rằng 40 quả táo có thể được mua với giá là 1 tấn lúa mỳ. Nếu Greta tập trung hoàn toàn vào việc sản xuất lúa mỳ, sản xuất 50 tấn lúa mỳ và 0 quả táo, trong khi Carlos tập trung hoàn toàn vào việc sản xuất táo, tổng sản lượng ở cả hai loại hàng hóa sẽ cao hơn so với trường hợp tự cung tự cấp (cột 2). Sau đó mỗi người có thể bán một phần sản phẩm của mình trên thị trường để mua một phần sản phẩm mà người kia sản xuất.

Lấy ví dụ, nếu Greata bán 15 tấn lúa mỳ (cột 3) để mua 600 quả táo, giờ đây cô có thể tiêu dùng nhiều hơn cả táo và lúa mỳ so với trước đây (cột 4). Bảng số liệu cũng cho thấy, tương tự như vậy, khi mua 15 tấn lúa mỳ của Greta để đổi đi 600 quả táo, Carlos cũng có thể tiêu dùng cả hai hàng hóa nhiều hơn so với khi không có chuyên môn hóa và trao đổi.

Tự cung tự cấp Chuyên môn hóa hoàn toàn và trao đổi
Sản xuất Trao đổi Tiêu dùng
1 2 3 4
Greta Táo 500 0 600
Lúa mỳ 30 50 = 15 + 35
Carlos Táo 300 1,000 = 600 + 400
Lúa mỳ 14 0 15
Tổng Táo 800 1,000 600 1,000
Lúa mỳ 44 50 15 50

Hình 1.9b So sánh cơ chế tự cung tự cấp và chuyên môn hóa. Khi tự cung tự cấp, cả hai tiêu dùng lượng bằng với số họ sản xuất. Khi chuyên môn hóa hoàn toàn, Greta sẽ chỉ sản xuất lúa mỳ; Carlos chỉ sản xuất táo; sau đó họ trao đổi đi phần sản phẩm thặng dư so với lượng tiêu dùng.

Trong ví dụ này, chúng ta giả sử mức giá thị trường là 1 tấn lúa mỳ có thể được đổi lấy 40 quả táo. Chúng ta sẽ trở lại với chủ đề cách thức thị trường hoạt động trong phần tài liệu từ Bài 7 đến Bài 12, Bài tập 1.10 chỉ ra rằng giả định về mức giá này không phải là duy nhất. Tồn tại những mức giá khác mà ở đó cả Greta và Carlos đều thu được lợi ích trong việc trao đổi với nhau.

Cơ hội để trao đổi—tức là sự tồn tại của thị trường táo và thị trường lúa mỳ—đã mang lại lợi ích cho cả Greta và Carlos. Điều này xảy ra là do chuyên môn hóa vào việc sản xuất chỉ một mặt hàng sẽ làm tăng tổng sản lượng, từ 800 lên 1.000 quả táo và từ 44 lên 50 tấn lúa mỳ. Bất ngờ ở đây chính là việc Greta sẽ mua 600 quả táo từ Carlos, trong khi cô có thể tự sản xuất ra chúng với chi phí thấp hơn (khi tính bằng thời gian lao động). Sử dụng thời gian theo cách này sẽ tốt hơn cho cô vì mặc dù Greta có lợi thế tuyệt đối trong sản xuất cả hai hàng hóa, Carlos có lợi thế so sánh trong việc sản xuất táo.

Thị trường đóng góp vào việc tăng năng suất lao động bằng việc cho phép mọi người tập trung vào việc sản xuất hàng hóa mà họ có lợi thế so sánh, chính là thứ mà họ sản xuất—nói một cách tương đối—ít tệ nhất! Chính vì thế, nó có thể phần nào giải thích cho mô hình chiếc gậy khúc côn cầu trong lịch sử.

Bài tập 1.10 Táo và lúa mỳ

Giả sử rằng giá thị trường là 35 quả táo có thể mua được 1 tấn lúa mỳ.

  1. Nếu Greta bán 16 tấn lúa mỳ, liệu cả cô ấy và Carlos có thu được lợi ích?
  2. Điều gì sẽ xảy ra nếu 1 tấn lúa chỉ có thể mua được 20 quả táo?

1.9 Chủ nghĩa tư bản, mối quan hệ nhân quả và mô hình chiếc gậy khúc côn cầu trong lịch sử

Chúng ta đã thấy rằng những thể chế của chủ nghĩa tư bản có tiềm năng làm cho cuộc sống con người tốt hơn, thông qua việc thúc đẩy quá trình chuyên môn hóa và phát triển công nghệ mới, và rằng cuộc cách mạng công nghệ liên tục diễn ra cùng thời điểm với sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản. Nhưng liệu chúng ta có thể kết luận chính chủ nghĩa tư bản đã tạo ra điểm uốn của mô hình chiếc gậy khúc côn cầu trong lịch sử?

Chúng ta nên có chút nghi ngờ khi có ai khẳng định rằng một thứ phức tạp nào đó (như chủ nghĩa tư bản) ‘gây ra’ một thứ khác (cải thiện trong điều kiện sống, tiến bộ công nghệ, một thế giới được kết nối, hay những thách thức về môi trường).

Trong khoa học, chúng ta chứng minh một mệnh đề rằng X gây ra Y bằng cách tìm hiểu về mối quan hệ giữa nguyên nhân (X) và kết quả (Y) và thực hiện những thí nghiệm để thu thập bằng chứng thông qua đo lường X và Y.

quan hệ nhân quả
Mối quan hệ từ nguyên nhân đến kết quả, thể hiện rằng thay đổi trong một biến số tạo ra thay đổi trong một biến số khác. Trong khi quan hệ tương quan chỉ là nhận định rằng hai biến số đã thay đổi cùng nhau, quan hệ nhân quả hàm ý rằng có một cơ chế tạo ra mối liên hệ đó, và vì thế nó là khái niệm hẹp hơn. Xem thêm: thí nghiệm tự nhiên, tương quan.

Chúng ta muốn phát biểu những mệnh đề có tính nhân quả trong kinh tế học—để hiểu được tại sao mọi thứ lại diễn ra, hoặc để tìm ra những thay đổi giúp nền kinh tế hoạt động tốt hơn. Đó là những mệnh để có dạng như là: Chính sách X sẽ gây ra thay đổi Y. Lấy ví dụ, một nhà kinh tế có thể tuyên bố rằng: ‘Nếu ngân hàng trung ương hạ lãi suất, thì nhiều người sẽ mua nhà và xe hơi hơn.’

Nhưng một nền kinh tế được tạo nên nhờ sự tương tác giữa hàng triệu người. Chúng ta không thể đo lường và thấu hiểu từng người, và hiếm khi các nhà kinh tế có cơ hội để thu thập bằng chứng bằng cách tiến hành thí nghiệm (mặc dù trong Bài 4 chúng ta sẽ có những ví dụ về việc sử dụng thí nghiệm trong một lĩnh vực của kinh tế học). Vậy thì làm cách nào các nhà kinh tế học có thể thực hiện đúng trình tự của phương pháp nghiên cứu khoa học? Ví dụ sau đây cho biết cách mà những thứ chúng ta quan sát được trong thế giới khách quan giúp chúng ta thấu hiểu về mối quan hệ nhân quả.

Cách thức các nhà kinh tế học hỏi từ thực tế Liệu thể chế có quan trọng đối với tăng trưởng thu nhập không?

thí nghiệm tự nhiên
Nghiên cứu thực nghiệm sử dụng một cách tự nhiên các kiểm soát thống kê diễn ra mà trong đó các nhà nghiên cứu không có khả năng áp đặt những người tham gia vào những nhóm kiểm soát hoặc can thiệp giống như trong các thí nghiệm truyền thống. Thay vào đó, sự khác biệt trong các lĩnh vực luật pháp, chính sách, thời tiết hay các sự kiện khác có thể tạo ra cơ hội cho nghiên cứu tổng thể. Việc chia các đối tượng nghiên cứu vào các nhóm kiểm soát và can thiệp một cách tự nhiên có đảm bảo tính ngẫu nhiên hay không sẽ quyết định tính chính xác của những nghiên cứu này.

Có thể thấy rằng chủ nghĩa tư bản xuất hiện cùng thời điểm, hoặc chỉ ngay trước đó một chút, với cuộc Cách mạng công nghiệp, thời điểm này cũng tương ứng với điểm uốn của mô hình chiếc gậy khúc côn cầu trong lịch sử. Điều này dường như phù hợp với giả thuyết rằng các thể chế của tư bản chủ nghĩa là một trong những nguyên nhân dẫn đến kỷ nguyên tăng trưởng năng suất liên tục mà chúng ta đang có. Nhưng một yếu tố khác: sự xuất hiện của một môi trường văn hóa thúc đẩy tư duy tự do, được gọi là ‘Thời kỳ Khai sáng’, cũng xuất hiện trước hoặc gần như cùng xảy ra với điểm uốn của mô hình chiếc gậy khúc côn cầu. Vậy thể chế, văn hóa, sự kết hợp của cả hai, hay yếu tố gì khác là nguyên nhân cốt lõi ở đây? Kinh tế học và sử học bất đồng với nhau, như các bạn sẽ thấy trong Bài 2, trước câu hỏi ‘Điều gì là nguyên nhân gây ra cuộc Cách mạng Công nghiệp?’

Các học giả trong nhiều lĩnh vực khác nhau cố gắng làm giảm bớt sự bất đồng trong quan điểm giữa họ thông qua việc sử dụng bằng chứng thực nghiệm. Đối với những câu hỏi kinh tế phức tạp, như là ‘Liệu thể chế thực sự có ý nghĩa về mặt kinh tế?’, thực nghiệm có thể cung cấp đủ thông tin giúp đi tới kết luận.

Một phương pháp có thể sử dụng trong trường hợp này là thí nghiệm tự nhiên. Đó là một tình huống trong đó có những sự khác biệt trong đối tượng nghiên cứu—chẳng hạn như sự thay đổi về thể chế—diễn ra mà không liên quan đến những sự khác biệt đến từ những nguyên nhân khác.

Sự chia cắt của nước Đức ở cuối Chiến tranh thế giới thứ Hai thành hai hệ thống kinh tế riêng biệt—kế hoạch hóa tập trung ở miền đông, tư bản ở miền tây—đã mang tới một thí nghiệm tự nhiên. Trong thời kì đó, có một ‘Bức màn sắt’, như lời của Thủ tướng Anh Winston Churchill mô tả, chia cắt nước Đức. Nó chia dân tộc Đức thành hai phần, những người mà trước đó có cùng một ngôn ngữ, văn hóa, và nền kinh tế tư bản.9

Vì chúng ta không thể thay đổi quá khứ, ngay cả khi việc thực hiện thí nghiệm trên toàn bộ dân số là khả thi, chúng ta phải dựa vào những thí nghiệm tự nhiên. Trong bài phỏng vấn này, Jared Diamond, một nhà sinh vật học, và James Robinson, một giáo sư quản lý nhà nước, đã giải thích.

Năm 1936, trước khi Chiến tranh thế giới thứ Hai diễn ra, mức sống ở khu vực Đông Đức và Tây Đức là tương tự nhau. Đây là bối cảnh phù hợp cho việc sử dụng phương pháp thí nghiệm tự nhiên. Trước cuộc chiến, các doanh nghiệp ở Saxony và Thuringia dẫn đầu thế giới trong sản xuất xe hơi và máy bay, trong hóa học, cũng như trong sản xuất công cụ quang học và cơ khí chính xác.

Với sự xuất hiện của cơ chế kế hoạch hóa tập trung ở Đông Đức, sở hữu tư nhân về tài sản, thị trường và doanh nghiệp hầu như biến mất hoàn toàn. Các quyết định về sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu và ở nhà máy, văn phòng, hầm mỏ hay trang trại nào không được đưa ra bởi từng cá nhân, mà bởi những quan chức nhà nước. Những quan chức này quản lý các tổ chức kinh tế mà không cần phải tuân theo những nguyên lý của chủ nghĩa tư bản: đó là sản xuất những hàng hóa và dịch vụ mà khách hàng sẽ mua ở mức giá lớn hơn chi phí sản xuất.

Tây Đức tiếp tục là nền kinh tế tư bản.

Vào năm 1958, Đảng Cộng sản Đông Đức đưa ra dự đoán rằng mức sống vật chất ở đây sẽ vượt Tây Đức trước năm 1961. Dự đoán này đã không thành hiện thực, và điều này là một trong những lý do khiến cho Bức tường Berlin chia cắt Đông Đức và Tây Đức được xây dựng năm 1961. Đến khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 và Đông Đức từ bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, mức GDP bình quân đầu người của nước này chưa bằng một nửa mức của Tây Đức theo chủ nghĩa tư bản. Hình 1.10 chỉ ra những con đường phát triển khác nhau của Đông Đức, Tây Đức và hai nền kinh tế khác từ năm 1950. Đồ thị sử dụng thang đo tỷ lệ.

GDP của Tây Đức tăng trưởng nhanh hơn so với GDP Đông Đức trong giai đoạn 1950-89.
Toàn màn hình

Hình 1.10 Hai nước Đức: kế hoạch hóa tập trung và tư bản (1950-89).

Conference Board, The. 2015. Total Economy Database. Angus Maddison. 2001. ‘The World Economy: A Millennial Perspective’. Development Centre Studies. Paris: OECD.

Một điểm cần lưu ý trong Hình 1.10 đó là Tây Đức có xuất phát điểm tốt hơn so với Đông Đức vào năm 1950. Năm 1936, trước khi Thế chiến bắt đầu, hai phần của nước Đức có mức sống gần tương tự nhau. Cả hai khu vực đều đã công nghiệp hóa thành công. Bất lợi tương đối của Đông Đức vào năm 1950 không đến từ sự khác biệt trong mức vốn tư bản hay kĩ năng lao động bình quân đầu người, mà bởi cấu trúc các ngành công nghiệp ở Đông Đức, so với Tây Đức, bị ảnh hưởng lớn hơn từ việc chia cắt đất nước.10

Không giống như một vài nền kinh tế tư bản với xuất phát điểm vào năm 1950 còn thấp hơn, nền kinh tế kế hoạch hóa của Đông Đức đã không thể theo kịp những nước tư bản dẫn đầu, bao gồm cả Tây Đức. Đến năm 1989, nền kinh tế Nhật Bản (là nước cũng phải hứng chịu thiệt hại nặng nề từ chiến tranh), với sự kết hợp đặc sắc giữa sở hữu tư nhân về tài sản, thị trường và doanh nghiệp, cùng với sự phối hợp hiệu quả của nhà nước, đã bắt kịp với mức sống của Tây Đức. Tương tự, nền kinh tế Tây Ban Nha cũng đã thu hẹp dần được khoảng cách với các nước phát triển.

Từ thí nghiệm tự nhiên này, chúng ta chưa thể kết luận rằng chủ nghĩa tư bản luôn luôn thúc đẩy tăng trưởng trong khi mô hình kế hoạch hóa tập trung là công thức cho sự trì trệ. Thay vì thế, kết luận của chúng ta sẽ chỉ dừng lại ở mức như sau: trong nửa sau của thế kỷ hai mươi, sự khác biệt trong thể chế kinh tế đã có ảnh hưởng rõ rệt đến đời sống của người dân hai miền nước Đức.

1.10 Tính đa dạng của chủ nghĩa tư bản: Thể chế, chính phủ, và nền kinh tế

Không phải tất cả các nước tư bản đều là những câu chuyện thành công về mặt kinh tế giống như Anh, sau này là Nhật, và một số quốc gia tăng trưởng nhanh khác như được minh họa trong Hình 1.1a. Hình 1.11 mô tả mức sống của một số quốc gia trên thế giới trong suốt thế kỷ hai mươi. Ví dụ, nó cho thấy ở châu Phi, sự thành công của Bốt-xoa-na trong việc duy trì tăng trưởng bền vững tương phản hoàn toàn với sự thất bại của Ni-giê-ri-a. Cả hai quốc gia đều giàu tài nguyên (kim cương ở Bốt-xoa-na, dầu ở Ni-giê-ri-a), tuy nhiên những khác biệt trong chất lượng thể chế —ví dụ mức độ tham nhũng và định hướng sai nguồn ngân sách chính phủ—có thể giúp giải thích tại sao con đường đi của các nước này lại trái ngược nhau như vậy.

Ngôi sao sáng trong Hình 1.11 là đất nước Hàn Quốc. Vào năm 1950, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc bằng với của Ni-giê-ri-a. Nhưng tới năm 2013, mức sống của hai nước đã chênh lệch nhau tới mười lần.

nhà nước phát triển
Nhà nước giữ vài trò đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua đầu tư công, trợ cấp một số ngành cụ thể, giáo dục và các chính sách công khác.

Quá trình cất cánh của Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh thể chế và chính sách khác rất xa so với những gì đã diễn ra ở nước Anh vào thế kỷ mười tám và mười chín. Khác biệt quan trọng nhất là việc chính phủ Hàn Quốc (cùng một vài doanh nghiệp đặc biệt lớn) đã đóng vai trò dẫn dắt trong việc định hướng quá trình phát triển, cụ thể là thúc đẩy sự phát triển của một số ngành, đòi hỏi các doanh nghiệp phải cạnh tranh được trên thị trường quốc tế và cung cấp giáo dục chất lượng cao cho lực lượng lao động. Thuật ngữ **nhà nước phát triển **{:data-term=”nhà nước phát triển”} đã được dùng để nói về vai trò dẫn dắt của chính phủ Hàn Quốc trong quá trình cất cánh kinh tế của quốc gia này, và bây giờ dùng để phản ánh các chính phủ có vai trò này trong nền kinh tế. Nhật Bản và Trung Quốc là những ví dụ khác về nhà nước phát triển.11

Giữa năm  1928 và 2015, GDP của Hàn Quốc đã tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều so với của Ac-hen-ti-na, Nga (Liên Xô trước đây), Bra-xin, Bốt-xoa-na và Ni-giê-ri-a.
Toàn màn hình

Hình 1.11 Tính phân kỳ của GDP bình quân đầu người giữa những nước gia nhập hệ thống tư bản muộn hơn (1928–2015).

Jutta Bolt, and Jan Juiten van Zanden. 2013. ‘The First Update of the Maddison Project Re-Estimating Growth Before 1820’. Maddison-Project Working Paper WP-4 (January).

Từ Hình 1.11 chúng ta cũng thấy rằng vào năm 1928, khi kế hoạch kinh tế năm năm lần thứ nhất của Liên Xô được đưa ra, GDP bình quân đầu người của nước này chỉ bằng một phần mười của Ac-hen-ti-na, ngang bằng với Bra-xin, và cao hơn đáng kể so với Hàn Quốc. Kế hoạch hóa tập trung tại Liên Xô đã tạo ra một quá trình tăng trưởng với tốc độ tuy không đặc biệt cao nhưng ổn định trong gần 50 năm. GDP bình quân đầu người của Liên Xô đã vượt khá xa so với Bra-xin và thậm chí còn cao hơn một chút so với Ac-hen-ti-na ngay trước khi chế độ Đảng Cộng sản sụp đổ vào năm 1990.

Một số nhà nghiên cứu đặt câu hỏi về độ tin cậy của những con số ước tính GDP của các nước ngoài châu Âu bởi nền kinh tế của các quốc gia này có cấu trúc rất khác biệt.

Sự trái ngược giữa hai miền Tây Đức và Đông Đức chỉ ra một lý do tại sao chúng ta phải từ bỏ hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung, đó là do hệ thống kinh tế này trong suốt một phần tư cuối thế kỷ hai mươi đã thất bại trong việc vươn tới những sự cải thiện trong mức sống mà nhiều nền kinh tế tư bản đã đạt được. Nhưng các biến thể của chủ nghĩa tư bản thay thế cho hệ thống kế hoạch hóa tập trung tại các nước đã từng là thành viên của Liên Xô lại cũng hoạt động không hiệu quả lắm. Điều đó được minh chứng bằng việc GDP bình quân đầu người của các nước thuộc Liên Xô trước đây sau năm 1990 đã bị sụt giảm một cách rõ rệt. Nhà Kinh tế học Lisa Cook của Đại học Michigan State đặt ra câu hỏi tại sao quá trình quá độ lên chủ nghĩa tư bản tại Liên Bang Nga vào thập niên 1990s không làm nảy sinh một làn sóng đổi mới sáng tạo. Bà đã thống kê những phát minh trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 được tạo ra bởi những nhà phát minh gốc Phi như mặt nạ phòng độc, đèn giao thông hay công nghệ bóng đèn, cũng như việc làn sóng đổi mới này đã bị chặn lại bởi những cuộc tấn công và bạo lực chống lại người da đen. Nghiên cứu của bà về những điều kiện kinh tế và chính trị để đổi mới sáng tạo có thể nảy nở có ý nghĩa quan trọng trong việc thấu hiểu về sự khác biệt lớn giữa các quốc gia trên thế giới hiện nay về mức độ đổi mới sáng tạo.

<div class=”video youtube economist-in-action” data-video-id=”z2hj_zfrG6g” data-video-language=”vi” data-title=”Trong đoạn phim “Kinh tế học trong đời sống” này, Lisa Cook giải thích điều gì thúc đẩy và kìm hãm đổi mới sáng tạo.”> <div class="video-wrapper">

        <div class="iframe-holder" id="z2hj_zfrG6g"></div>
    

    <a class="video-link" href="https://tinyco.re/5093842"><img src="https://core-the-economy-media.netlify.app/book/vi/images/web/youtube-z2hj_zfrG6g.jpg"></a>
</div>

    
        
            <div class="video-options">
                <button class="video-options-button" type="button">
                    Các lựa chọn video khác
                </button>
                <div class="video-options-content">
                </div>
            </div>
        
    

<p class="video-description">
    <a href="https://tinyco.re/5093842">Trong đoạn phim Kinh tế học trong đời sống này, Lisa Cook giải thích điều  thúc đẩy  kìm hãm đổi mới sáng tạo.</a>
</p>

</div>

Khi nào chủ nghĩa tư bản tạo ra sự năng động?

Sự tụt hậu của một số nền kinh tế trong Hình 1.11 minh chứng một điều là bản thân sự hiện diện các thể chế của chủ nghĩa tư bản chưa đủ để tạo ra một nền kinh tế năng động-tức là một nền kinh tế có được sự tăng trưởng bền vững trong mức sống. Có hai nhóm điều kiện đóng góp vào tính năng động của hệ thống kinh tế tư bản. Nhóm thứ nhất là kinh tế; nhóm thứ hai là chính trị, và nó liên quan tới chính phủ và cách thức nó vận hành.

Các điều kiện kinh tế

Ở những nơi mà chủ nghĩa tư bản kém năng động thì nguyên nhân có thể sẽ như sau::12 13

  • Tài sản tư hữu không được bảo đảm: Việc thực thi luật và tuân thủ hợp đồng yếu, xảy ra tình trạng các tổ chức tội phạm hoặc bộ máy chính quyền chiếm đoạt tài sản tư hữu.
  • Các thị trường không có tính cạnh tranh: Các thị trường thất bại trong việc tạo ra cơ chế củ cà-rốt và cây gậy, một cơ chế giúp cho nền kinh tế tư bản có thể trở nên năng động.
  • Những người nắm quyền sở hữu và điều hành doanh nghiệp là do họ có mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ hoặc do lý lịch cá nhân đặc biệt của họ: Họ trở thành người nắm quyền sở hữu hoặc điều hành doanh nghiệp không phải bởi vì họ có thể cung cấp những hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao với mức giá cạnh tranh. Hai thất bại trên sẽ làm cho điều này càng dễ xảy ra hơn.

Sự thất bại của ba thể chế cơ bản của chủ nghĩa tư bản dẫn đến một hệ quả là các cá nhân và tổ chức thường sẽ hưởng lợi nhiều hơn bằng cách dành thời gian và nguồn lực cho các hoạt động vận động hành lang, hoạt động phạm pháp, và những hoạt động khác nhằm chuyển dịch phân phối thu nhập theo hướng có lợi cho mình. Họ sẽ được hưởng lợi ít hơn từ việc trực tiếp tạo ra giá trị kinh tế.14

Chủ nghĩa tư bản là hệ thống kinh tế đầu tiên trong lịch sử loài người mà để có thể đứng vào tầng lớp trên của xã hội, hoạt động kinh tế của bạn phải đạt được hiệu quả cao. Là một chủ doanh nghiệp, nếu bạn thất bại, bạn sẽ không còn là thành viên của giới nhà giàu nữa. Không ai đẩy bạn ra cả, bởi điều đó là không cần thiết: đơn giản là bạn sẽ bị phá sản. Một đặc điểm quan trọng trong cơ chế kỷ luật của thị trường—sản xuất sản phẩm tốt và có lợi nhuận hoặc thất bại nếu không làm được điều đó—là khi nó hoạt động tốt, nó sẽ dần trở thành một điều tất yếu, bởi vì việc có một người bạn với quyền lực chính trị không phải lúc nào cũng đảm bảo cho bạn có thể tiếp tục công việc kinh doanh của mình. Nguyên tắc này cũng đúng với cả doanh nghiệp và cá nhân trong doanh nghiệp: kẻ thua cuộc sẽ phải ra đi. Tính cạnh tranh của thị trường sẽ tạo ra một cơ chế để loại bỏ những cá nhân hay doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả.

Hãy xem sự khác biệt của hệ thống này với các hệ thống kinh tế khác. Một lãnh chúa phong kiến quản lý kém vùng đất của mình sẽ chỉ dừng lại là một vị lãnh chúa tồi. Nhưng người chủ doanh nghiệp nếu không thể tạo ra những hàng hóa mà người dân muốn mua tại mức giá đủ bù đắp chi phí thì sẽ phải phá sản, và việc sở hữu doanh nghiệp sẽ chỉ còn là câu chuyện quá khứ của người đó.

Tất nhiên, nếu ban đầu họ rất giàu có hoặc có mối quan hệ chính trị rất tốt thì người sở hữu và người quản lý của doanh nghiệp vẫn có thể sống sót, và doanh nghiệp có thể vẫn tiếp tục hoạt động dù rằng có những sai lầm, đôi khi là trong thời gian rất dài hoặc thậm chí là qua nhiều thế hệ. Những doanh nghiệp thua lỗ đôi khi vẫn sống sót. Nhưng không ai đảm bảo chắc chắn điều đó: để có được chỗ đứng trong môi trường cạnh tranh nghĩa là bạn phải liên tục đổi mới.

Các điều kiện chính trị

Chính phủ cũng có vai trò quan trọng. Chúng ta đã thấy rằng ở một số nền kinh tế—ví dụ Hàn Quốc—chính phủ đóng vai trò dẫn dắt trong cuộc cách mạng của chủ nghĩa tư bản. Và gần như trong toàn bộ các nền kinh tế tư bản hiện đại, chính phủ là một bộ phận lớn của nền kinh tế, chiếm tới hơn một nửa GDP của nhiều nước. Nhưng ngay cả ở những quốc gia mà vai trò của chính phủ bị hạn chế hơn, giống như ở Anh vào thời kỳ cất cánh của quốc gia này, chính phủ vẫn thiết lập, thực thi và thay đổi luật và quy định để chi phối cách thức nền kinh tế vận hành. Các thị trường, sở hữu tư nhân về tài sản và doanh nghiệp đều được điều tiết bởi luật định và các chính sách.

Để những nhà đổi mới sáng tạo sẵn sàng mạo hiểm phát triển sản phẩm hoặc quy trình sản xuất mới, hệ thống pháp lý phải đủ tốt để bảo vệ quyền sở hữu đối với lợi nhuận họ kiếm được đồng thời ngăn chặn các hành vi ăn cắp những đổi mới này. Chính phủ cũng phải đưa ra những phán xử đối với các tranh chấp liên quan tới quyền sở hữu và thực thi những quyền tài sản cần thiết cho sự vận hành của thị trường.

độc quyền
Doanh nghiệp là người bán duy nhất của một sản phẩm mà không có hàng hóa thay thế gần gũi. Cũng để chỉ loại thị trường trong đó chỉ có một người bán duy nhất. Xem thêm: sức mạnh độc quyền, độc quyền tự nhiên.
quá lớn để đổ vỡ
Được coi là một đặc điểm của các ngân hàng lớn mà tầm quan trọng của chúng với nền kinh tế đảm bảo rằng chúng sẽ được nhà nước giải cứu trong trường hợp gặp khó khăn về tài chính. Những ngân hàng này do đó không phải chịu toàn bộ những chi phí cho hoạt đồng của chúng và vì thể có thể chấp nhận rủi ro nhiều hơn mức xã hội mong muốn. Xem thêm: rủi ro đạo đức.

Như Adam Smith đã cảnh báo, bằng việc tạo ra hoặc cho phép sự tồn tại của các nhà độc quyền giống như Công ty Đông Ấn chẳng hạn, chính phủ có thể làm yếu đi hiệu quả của cơ chế cạnh tranh. Nếu một doanh nghiệp lớn có thể tạo lập vị thế độc quyền bằng cách loại bỏ tất cả các đối thủ cạnh tranh, hoặc một nhóm doanh nghiệp có thể cấu kết để giữ mức giá cao, thì động lực cho đổi mới sáng tạo và sự trả giá nếu thất bại sẽ bị lu mờ đi. Điều tương tự cũng đúng trong các nền kinh tế hiện đại khi một số ngân hàng hoặc doanh nghiệp được xem là quá lớn để đổ vỡ đã được nhận gói cứu trợ từ chính phủ mà nếu như không có nó thì các doanh nghiệp này chắc chắn sẽ phá sản.

Bên cạnh việc hỗ trợ thể chế trong hệ thống kinh tế tư bản, chính phủ cũng cung cấp một số hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như cơ sở hạ tầng cứng, giáo dục và quốc phòng. Trong các bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao các chính sách như duy trì cạnh tranh, đánh thuế và trợ cấp để bảo vệ môi trường, điều chỉnh phân phối thu nhập, tạo ra của cải, việc làm và lạm phát cũng có thể tạo ra những ảnh hưởng kinh tế tích cực.

Tóm lại, chủ nghĩa tư bản có thể là một hệ thống kinh tế năng động khi nó kết hợp được việc:

  • Tạo động lực cho các cá nhân trong việc đổi mới sáng tạo để giảm chi phí: Điều này sẽ đạt được thông qua sự cạnh tranh của thị trường và bảo đảm quyền sở hữu tư nhân về tài sản.
  • Các doanh nghiệp được dẫn dắt bởi những người đã chứng tỏ được khả năng sản xuất hàng hóa với chi phí thấp.
  • Chính sách công hỗ trợ cho những điều kiện này: Chính sách công cũng có thể cung cấp một số hàng hóa và dịch vụ thiết yếu mà các doanh nghiệp tư nhân không cung cấp.
  • Một xã hội, môi trường tự nhiên và nền tảng nguồn lực ổn định: Như trong các Hình 1.51.12.
cách mạng của chủ nghĩa tư bản
Sự tiến bộ mạnh mẽ trong công nghệ kết hợp với sự xuất hiện của một hệ thống kinh tế mới.

Đây là những điều kiện mà sẽ cùng nhau cấu thành nên cuộc cách mạng của chủ nghĩa tư bản đã diễn ra đầu tiên ở Anh và sau này ở một số nền kinh tế khác, nó đã chuyển đổi cách thức con người tương tác với nhau và với tự nhiên trong hoạt động sinh kế của mình.

Các hệ thống chính trị

hệ thống chính trị
Một hệ thống chính trị quyết định cách mà chính quyền được lựa chọn, và cách mà chính quyền sẽ đưa ra và triển khai các quyết định có ảnh hưởng đến người dân trong nước.
nền dân chủ
Một hệ thống chính trị, với lý tưởng là sẽ tạo ra quyền lực chính trị bình đẳng cho tất cả công dân, được định nghĩa bởi những quyền cá nhân như quyền tự do ngôn luận, tự do tập hợp, tự do báo chí; bầu cử công bằng trong đó hầu như tất cả người trưởng thành đều được phép tham gia, và nhưng quan chức thất bại trong bầu cử sẽ phải rời vị trí của mình.

Một trong những cách lý giải tại sao chủ nghĩa tư bản tồn tại dưới nhiều hình thái khác nhau là do trong suốt tiến trình lịch sử cho đến ngày nay, các nền kinh tế tư bản đã đồng thời tồn tại với nhiều hệ thống chính trị khác. Một hệ thống chính trị, chẳng hạn nền dân chủ hoặc chế độ độc tài, sẽ quyết định cách thức lựa chọn ra chính phủ, và cách thức những chính phủ này đưa ra và thực thi các quyết định mà sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ người dân.

Ở Anh, Hà Lan, và hầu hết các quốc gia có mức thu nhập cao ngày nay, chủ nghĩa tư bản đã hình thành từ rất lâu trước khi có nền dân chủ. Cho tới tận cuối thế kỉ thứ mười chín, vẫn chưa có quốc gia nào mà ở đó đại đã số công dân trưởng thành có quyền bỏ phiếu bầu cử (Niu-di-lân là quốc gia đầu tiên). Ngay cả trong giai đoạn gần đây, chủ nghĩa tư bản vẫn hiện diện trong một số chế độ phi dân chủ như ở Chi-lê từ năm 1973 tới 1990, ở Bra-xin từ năm 1964 tới 1985, và ở Nhật Bản cho tới năm 1945. Trung Quốc hiện nay cũng là một dạng biến thể của hệ thống kinh tế tư bản, nhưng hệ thống chính quyền ở quốc gia này lại không phải là dân chủ theo cách định nghĩa của chúng ta. Tuy nhiên, ở hầu hết các quốc gia ngày nay, chủ nghĩa tư bản và nền dân chủ tồn tại song hành với nhau, mỗi hệ thống sẽ chi phối tới sự vận hành của hệ thống còn lại.

Giống như chủ nghĩa tư bản, nền dân chủ cũng có thể tồn tại dưới nhiều hình thái khác nhau. Ở một số nước dân chủ, người đứng đầu nhà nước được bầu cử một cách trực tiếp từ các cử tri; ở một số nước khác, một cơ quan được dân bầu nên, ví dụ như quốc hội, sẽ bầu cử để chọn ra người đứng đầu nhà nước. Ở một số quốc gia dân chủ, có những quy định khá nghiêm ngặt nhằm hạn chế khả năng các cá nhân ảnh hưởng tới việc bầu cử hay chính sách công thông qua đóng góp tài chính; ở một số quốc gia khác thì các cá nhân có thể tạo dựng được ảnh hưởng lớn thông qua các khoản đóng góp vào các chiến dịch bầu cử, vận động hành lang, và thậm chí là những khoản đóng góp trái luật như hối lộ.

Những khác biệt giữa các quốc gia dân chủ cũng giúp lý giải một phần tại sao tầm quan trọng của chính phủ trong nền kinh tế tư bản lại khác nhau khá nhiều giữa các quốc gia. Ví dụ, ở Nhật Bản và Hàn Quốc, chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập định hướng cho các nền kinh tế này. Nhưng tổng số thuế mà chính phủ thu được (cả ở cấp trung ương và địa phương) lại khá thấp so với một số quốc gia giàu có ở Bắc Âu, nơi tổng thuế xấp xỉ bằng một nửa GDP. Chúng ta sẽ thấy ở trong Bài 19 là tại Thụy Điển và Đan Mạch, bất bình đẳng của thu nhập sau thuế (theo một trong số các thước đo hay được sử dụng nhất) chỉ bằng một nửa mức độ bất bình đẳng thu nhập trước khi nộp thuế và nhận trợ cấp. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, thuế và trợ cấp của chính phủ cũng giúp làm giảm bất bình đẳng trong thu nhập sau thuế, nhưng ở mức độ thấp hơn nhiều.

Câu hỏi 1.7 Chọn (các) đáp án đúng

Nhìn lại Hình 1.10, trong đó có đồ thị GDP bình quân đầu người của Tây Đức, Đông Đức, Nhật Bản và Tây Ban Nha trong giai đoạn từ 1950 đến 1990. Mệnh đề nào sau đây là đúng?

  • Xuất phát điểm thấp hơn từ năm 1950 là nguyên nhân chính dẫn đến mức độ phát triển yếu kém của Đông Đức so với Tây Đức.
  • Việc Nhật Bản và Tây Đức có mức GDP bình quân đầu người cao nhất vào năm 1990 cho thấy rằng họ đã tìm được hệ thống kinh tế tối ưu.
  • Tây Ban Nha đã có thể tăng trưởng với tốc độ cao hơn so với Đức trong giai đoạn từ 1950 đến 1990.
  • Sự khác biệt trong tăng trưởng của Đông Đức và Tây Đức chứng tỏ rằng chủ nghĩa tư bản luôn luôn thức đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh trong khi kế hoạch hóa tập trung là công thức cho sự trì trệ.
  • Nhật Bản thậm chí còn có xuất phát điểm thấp hơn so với Đông Đức nhưng vẫn có thể đuổi kịp với Tây Đức trước năm 1990.
  • Các hệ thống kinh tế khác nhau đều có thể thành công. Nền kinh tế Nhật Bản có sự kết hợp riêng của sở hữu tư nhân về tài sản, thị trường và doanh nghiệp cùng với vai trò phối hợp then chốt của nhà nước. Hệ thống này rất khác so với hệ thống của Tây Đức.
  • Tốc độ tăng trưởng của GDP bình quân đầu người trong một nền kinh tế có thể được quan sát từ độ dốc của đường cong này khi được vẽ trên đồ thị theo thang tỷ lệ, như trong hình vẽ này. Độ dốc trên đường của Tây Ban Nha lớn hơn so với đường của Đông Đức hay Tây Đức trong giai đoạn từ 1950 đến 1990 cho thấy rằng trong giai đoạn này GDP bình quân đầu người của Tây Ban Nha tăng trưởng với tốc độ cao hơn.
  • Trong kinh tế học, ta không thể chỉ sử dụng một bằng chứng duy nhất để ‘chứng minh’ một lý thuyết. Ta chỉ có thể kết luận được rằng trong nửa sau của thế kỷ hai mươi, sự khác nhau trong các thể chế kinh tế có ảnh hưởng lớn đến sinh kế của những người dân nước Đức.

Câu hỏi 1.8 Chọn (các) đáp án đúng

Nhìn lại Hình 1.11. Kết luận nào sau đây có thể được rút ra từ đồ thị?

  • Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở Liên Xô trước năm 1990 hoàn toàn là một thất bại.
  • Sự tương phản trong tăng trưởng giữa Bốt-xoa-na và Ni-giê-ri-a minh họa cho việc sự sẵn có của tài nguyên thiên nhiên không bảo đảm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn, mà chất lượng thể chế tốt hơn (chính quyền, thị trường và doanh nghiệp) cũng là điều kiện cần thiết.
  • Tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế Hàn Quốc hàm ý rằng các nước khác nên học tập hệ thống kinh tế của họ.
  • Bằng chứng từ Liên Bang Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ từ sau 1990 chỉ ra việc thay thế hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung bằng hệ thống tư bản chủ nghĩa lập tức dẫn tới tăng trưởng kinh tế.
  • Thực tế là Liên Xô cũ có tốc độ tăng trưởng lớn hơn nhiều so với Bra-xin, và GDP bình quân đầu người của Liên Xô còn có lúc vượt hơn cả Ác-hen-ti-na ngay trước khi Đảng Cộng sản thôi cầm quyền vào năm 1990.
  • Cả Ni-giê-ri-a và Bốt-xoa-na đều là các quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên; tuy nhiên, tăng trưởng của Ni-giê-ri-a bị kìm hãm bởi tham nhũng và các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, trong khi Bốt-xoa-na thường được mô tả là quốc gia ít tham nhũng nhất Châu Phi và là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng GDP cao nhất thế giới.
  • Hàn Quốc là một nhà nước phát triển, trong đó chính phủ và một số doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt cho quá trình phát triển. Điều này không có nghĩa rằng hệ thống này là tối ưu cho tất cả các quốc gia.
  • GDP bình quân đầu người ở tất cả các nước đều giảm trong giai đoạn sau 1990. Điều này là bởi tại các quốc gia này, sở hữu tư nhân về tài sản không được đảm bảo, thị trường thiếu cạnh tranh và các doanh nghiệp không hoạt động một cách cạnh tranh trong nền kinh tế tư bản mới được tạo lập. Sự thay đổi đột ngột từ một nền kinh tế không phải kinh tế tư bản sang hệ thống của tư bản chủ nghĩa thường được gọi là ‘liệu pháp sốc’.

1.11 Kinh tế học và nền kinh tế

kinh tế học
Môn học nghiên cứu cách thức con người tương tác với nhau và với môi trường xung quanh trong việc tạo ra sinh kế, cũng như sự thay đổi của mối quan hệ này theo thời gian.

Kinh tế học là môn khoa học nghiên cứu cách thức con người tương tác với nhau và với thế giới tự nhiên xung quanh trong hoạt động sinh kế của mình, cũng như thay đổi theo thời gian của những mối quan hệ ấy. Do vậy, nó sẽ đề cập tới:

  • Cách thức chúng ta có được những thứ đảm bảo cho cuộc sống của chúng ta: Những thứ đó có thể là lương thực, quần áo, chỗ ở, hoặc thời gian rảnh rỗi.
  • Cách thức chúng ta tương tác với nhau: giữa người mua và người bán, giữa nhân viên và người sử dụng lao động, người dân và công chức, cha mẹ, con cái và các thành viên khác trong gia đình.
  • Cách thức chúng ta tương tác với môi trường tự nhiên: Từ việc hít thở, tới việc khai thác các nguyên liệu thô từ trái đất.
  • Những điều này thay đổi ra sao theo thời gian.

Trong Hình 1.5 chúng ta đã chỉ ra rằng nền kinh tế là một phần của xã hội, và xã hội lại là một phần của sinh quyển. Hình 1.12 thể hiện vị trí của doanh nghiệp và hộ gia đình trong nền kinh tế, các dòng luân chuyển trong nền kinh tế và giữa nền kinh tế với hệ sinh quyển. Các doanh nghiệp kết hợp lao động với nhà xưởng, thiết bị, và sản xuất hàng hóa dịch vụ mà các hộ gia đình và doanh nghiệp khác sử dụng.

Nền kinh tế bao gồm các hộ gia đình và doanh nghiệp phụ thuộc vào một sinh quyển khỏe mạnh và một môi trường vật chất ổn định.
Toàn màn hình

Hình 1.12 Một mô hình của nền kinh tế: Hộ gia đình và doanh nghiệp.

Sản xuất hàng hóa và dịch vụ cũng có thể diễn ra trong các hộ gia đình, tuy nhiên họ có thể không bán sản phẩm của mình trên thị trường giống như doanh nghiệp.

Ngoài việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ, các hộ gia đình còn sinh ra con người—thế hệ tiếp theo của lực lượng lao động. Lao động của cha mẹ, người giúp việc và những người khác được kết hợp với những công trình (ví dụ như ngôi nhà của bạn) và thiết bị (ví dụ như lò nướng trong nhà bạn) để sinh ra và nuôi dưỡng lực lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong tương lai, cũng như lực lượng sẽ duy trì các thế hệ tiếp theo trong các hộ gia đình.

Tất cả diễn ra như là một phần thế giới vật chất và thế giới sống, ở đó các doanh nghiệp và hộ gia đình sử dụng các tài nguyên thiên nhiên, từ nhiên liệu hóa thạch hay các nguồn năng lượng tái tạo tới bầu không khí mà chúng ta đang hít thở. Trong quá trình này, hộ gia đình và doanh nghiệp làm thay đổi thế giới tự nhiên không chỉ thông qua việc sử dụng các nguồn lực của nó mà còn tạo ra các sản phẩm cung cấp ngược trở lại cho thế giới tự nhiên. Ngày nay, một trong những sản phẩm quan trọng nhất trong số này chính là khí thải nhà kính, nó đã gây ra những vấn đề biến đổi khí hậu nghiêm trọng như chúng ta đã thấy trong Phần 1.5.

Bài 1.11 Bạn sẽ lựa chọn được sinh ra ở đâu và khi nào?

Giả sử bạn có thể lựa chọn được sinh ra vào thời điểm nào và ở đâu trong số các nước trong Hình 1.1a, 1.10 hoặc 1.11, nhưng bạn biết rằng bạn nằm trong nhóm 10% dân số nghèo nhất ở đó.

  1. Bạn sẽ chọn mình sinh ra ở quốc gia nào?
  2. Bây giờ, giả sử bạn biết lúc đầu, bạn nằm trong nhóm 10% dân số nghèo nhất, nhưng bạn có cơ hội 50-50 để chuyển sang nhóm 10% giàu nhất nếu bạn làm việc chăm chỉ. Khi đó, bạn sẽ chọn mình sinh ra ở quốc gia nào?
  3. Bây giờ, giả sử bạn có thể quyết định quốc gia và thời điểm bạn sinh ra. Bạn không thể chắc là liệu bạn sẽ sinh ra ở thành phố hay vùng quê, là nam hay nữ, là giàu hay nghèo. Bạn sẽ chọn mình sinh ra ở quốc gia nào và vào thời điểm nào?
  4. Trong tình huống (3), bạn không muốn mình sinh ra ở quốc gia nào và vào thời điểm nào nhất?

Hãy sử dụng những kiến thức bạn học được trong bài này để lý giải cho lựa chọn của mình.

1.12 Kết luận

Trong phần lớn lịch sử loài người, mức sống trên khắp thế giới tương tự nhau và rất ít thay đổi qua nhiều thế kỷ. Kể từ năm 1700, mức sống của loài người đã tăng nhanh tại một số quốc gia. Quá trình tăng trưởng này diễn ra đồng thời với những tiến bộ vượt bậc về công nghệ, và với sự ra đời của một hệ thống kinh tế mới, chủ nghĩa tư bản, ở đó sở hữu tư nhân về tài sản, thị trường và doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Nền kinh tế tư bản đã tạo ra những động lực và cơ hội cho việc đổi mới công nghệ, và những lợi ích từ việc chuyên môn hóa.

Các nước khác nhau về mức độ hiệu quả của thể chế và chính sách chính phủ: không phải tất cả các nền kinh tế tư bản đều có được tăng trưởng bền vững. Ngày nay, có sự bất bình đẳng thu nhập khá lớn giữa các nước, và giữa những người giàu nhất và nghèo nhất trong cùng một nước. Gia tăng sản xuất cũng đi kèm với tình trạng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và phá hủy môi trường, trong số đó bao gồm cả hiện tượng biến đổi khí hậu.

Các khái niệm được trình bày trong Bài 1

Trước khi chuyển sang phần mới, các bạn hãy xem lại những định nghĩa sau:

1.13 Tài liệu tham khảo

  • Acemoglu, Daron, and James A. Robinson. 2012. Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity and Poverty, 1st ed. New York, NY: Crown Publishers.
  • Augustine, Dolores. 2013. ‘Innovation and Ideology: Werner Hartmann and the Failure of the East German Electronics Industry’. In The East German Economy, 1945–2010: Falling behind or Catching Up? by German Historical Institute, eds. Hartmut Berghoff and Uta Andrea Balbier. Cambridge: Cambridge University Press.
  • Berghoff, Hartmut, and Uta Andrea Balbier. 2013. ‘From Centrally Planned Economy to Capitalist Avant-Garde? The Creation, Collapse, and Transformation of a Socialist Economy’. In The East German Economy, 1945–2010 Falling behind or Catching Up? by German Historical Institute, eds. Hartmut Berghoff and Uta Andrea Balbier. Cambridge: Cambridge University Press.
  • Coyle, Diane. 2014. GDP: A Brief but Affectionate History. Princeton, NJ: Princeton University Press.
  • Diamond, Jared, and James Robinson. 2014. Natural Experiments of History. Cambridge, MA: Belknap Press of Harvard University Press.
  • Eurostat. 2015. ‘Quality of Life Indicators — Measuring Quality of Life’. Updated 5 November 2015.
  • Kornai, János. 2013. Dynamism, Rivalry, and the Surplus Economy: Two Essays on the Nature of Capitalism. Oxford: Oxford University Press.
  • Landes, David S. 2003. The Unbound Prometheus: Technological Change and Industrial Development in Western Europe from 1750 to the Present. Cambridge, UK: Cambridge University Press.
  • Robison, Jennifer. 2011. ‘Happiness Is Love — and $75,000’. Gallup Business Journal. Updated 17 November 2011.
  • Seabright, Paul. 2010. The Company of Strangers: A Natural History of Economic Life (Revised Edition). Princeton, NJ: Princeton University Press.
  • Smith, Adam. 1759. The Theory of Moral Sentiments. London: Printed for A. Millar, and A. Kincaid and J. Bell.
  • Smith, Adam. (1776) 2003. An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations. New York, NY: Random House Publishing Group.
  • Sutcliffe, Robert B. 2001. 100 Ways of Seeing an Unequal World. London: Zed Books.
  • World Bank, The. 1993. The East Asian miracle: Economic growth and public policy. New York, NY: Oxford University Press.
  1. Jean Baptiste Tavernier, Hành trình tới Ấn Độ (1676). 

  2. Diane Coyle. 2014. GDP: A Brief but Affectionate History. Princeton, NJ: Princeton University Press. 

  3. Jennifer Robison. 2011. ‘Happiness Is Love – and $75.000’. Gallup Business Journal. Cập nhật ngày 17 tháng 11 năm 2011. 

  4. ‘Các chỉ tiêu chất lượng cuộc sống—Đo lường chất lượng cuộc sống’. Eurostat. Cập nhật ngày 5 tháng 11 năm 2015. 

  5. Adam Smith. (1776) 2003. An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations. New York, NY: Random House Publishing Group. 

  6. Smith, Adam. 1759. The Theory of Moral Sentiments. London: Printed for A. Millar, and A. Kincaid and J. Bell. 

  7. David S. Landes. 2003. The Unbound Prometheus: Technological Change and Industrial Development in Western Europe from 1750 to the Present. Cambridge: Cambridge University Press. 

  8. Paul Seabright. 2010. The Company of Strangers: A Natural History of Economic Life (Revised Edition). Princeton, NJ: Princeton University Press. 

  9. Chi tiết về bài phát biểu ‘Bức màn sắt’ của Winston Churchill

  10. Hartmut Berghoff và Uta Andrea Balbier. 2013. ‘From Centrally Planned Economy to Capitalist Avant-Garde? The Creation, Collapse, and Transformation of a Socialist Economy’. In The East German Economy, 1945–2010: Falling behind or Catching Up? Cambridge: Cambridge University Press. 

  11. World Bank, The. 1993. The East Asian miracle: Economic growth and public policy. New York, NY: Oxford University Press. 

  12. János Kornai. 2013. Dynamism, Rivalry, and the Surplus Economy: Two Essays on the Nature of Capitalism. Oxford: Oxford University Press. 

  13. Dolores Augustine. 2013. ‘Innovation and Ideology: Werner Hartmann and the Failure of the East German Electronics Industry’. In The East German Economy, 1945–2010: Falling behind or Catching Up? Cambridge: Cambridge University Press. 

  14. Daron Acemoglu and James A. Robinson. 2012. Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty. New York, NY: Crown Publishing Group.